Kênh Nhà Lê được vua Lê Đại Hành tổ chức đào từ năm 983, là tuyến giao thông quan trọng từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh. Đoạn qua địa bàn Nghệ An dài 128km, kênh là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 6 huyện gồm Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh, Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Trong kháng chiến chống Mỹ, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ ngành GTVT đã không quản mưa bom, bão đạn để bảo đảm tuyến chi viện miền Nam luôn thông suốt. Chỉ tính riêng tuyến kênh nhà Lê tại Nghệ An (từ năm 1965 - 1968) không quân Mỹ đã tiến hành công kích trên 190.000 trận, ném hơn 700.000 tấn bom vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế và khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hệ thống kênh nhà Lê tại Nghệ An bao gồm kênh Mơ (nối sông Hoàng Mai và sông Thơi), kênh Dâu (nối sông Thơi và sông Hàu), kênh Mỹ Giang (nối sông Thơi và sông Bùng), kênh Sắt (nối sông Bùng với sông Cấm)…
Lãnh đạo sở GTVT Nghệ An, nhận bằng di tích cấp Quốc gia
Trong kháng chiến chống Mỹ, khoảng 500km kênh từ Ninh Bình tới Hà Tĩnh đã được nạo vét, khơi thông, rà phá bom mìn... Kênh nhà Lê trở thành tuyến đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa, vũ khí qua trọng điểm đánh phá miền Trung, được coi như tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông” về đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.