Chị Thìn ôm chầm lấy chị dâu sau bao ngày xa cách. Ảnh: V.Đồng
Bị lừa bán khi hai con còn nhỏ
Ngồi bên người anh Trương Công Dần (56 tuổi, trú tại xóm Nam Lộc, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), chị Trương Thị Thìn (52 tuổi, em gái anh Dần) không giấu nổi nước mắt khi nghe người anh kể về những tháng ngày chị bỗng mất tích.
Vẫn nhớ như in, ông Dần kể: “Đó là ngày 16/3/1997, Thìn bảo đi mua thuốc ở Hà Tĩnh để chữa bệnh, thế nhưng 1 ngày rồi 1 tuần cũng không có tin tức gì. Hai con nhỏ thì khóc ngặt nghẽo đòi mẹ. Người mẹ già cùng vợ chồng tôi đi tìm khắp nơi nhưng cũng không có kết quả. Đến mấy năm sau, nhớ con mà mẹ tôi trước lúc nhắm mắt vẫn dặn dò phải tìm cho được Thìn”.
Lau nước mắt, chị Thìn ngậm ngùi: “Cũng vì tin người mà tôi bị lừa bán. Lúc đó, tôi bị đau dây thần kinh mà chữa mãi không khỏi. Khi có một người đàn ông bảo dẫn đi mua thuốc uống vào sẽ hết ngay nên tôi liền nghe theo. Ai ngờ đó là ngày tôi bị lừa bán...”.
Ngày đó, trời mưa rất to, nước dâng cao thì vợ của người đàn ông trên đến nhà dẫn chị đi mua thuốc. Vì đường chính bị ngập nước nên hai người đi bộ men theo quốc lộ 15A khoảng 8km để ra Quốc lộ 48. Ra tới nơi thì có một người phụ nữ khác đừng chờ sẵn ở đó và cho chị uống một cốc nước rồi dẫn chị lên xe khách. “Uống xong cốc nước và lên xe thì tôi không còn nhớ gì nữa”, chị Thìn kể lại.
Ngày hôm sau, nghe người phụ xe bảo đã đến bến xe ở Lạng Sơn nhưng chị Thìn vẫn đinh ninh là mình đang đi mua thuốc. “Tôi quanh năm ở nhà có biết Lạng Sơn là ở chỗ nào đâu. Khi người phụ nữ giao tôi lại cho một người đàn ông thì tôi bắt đầu nghi ngờ”, chị Thìn nói.
Ở nhà người này, chị bị quản thúc rất chặt, không được bước chân ra khỏi nhà. Đến 10 ngày sau, khoảng 20h thì có một thanh niên dẫn chị theo đường rừng để vượt bên sang bên đất Trung Quốc. “Bên đất Trung Quốc, tôi cùng 5 phụ nữ khác bị quản thúc rất chặt. Cửa luôn có hai người đàn ông canh chừng và không thể nào tìm cách thoát ra được. Gần 1 tuần sau, chúng tôi được đưa lên xe khách đi ròng rã 2 ngày đêm. Vừa xuống xe thì chúng tôi bị ép lên một chiếc thuyền và đi hơn 3 tiếng nữa mới tới nơi”, chị Thìn nhớ lại.
Ở đây, chị cùng nhiều người khác vừa phải đi làm đồng cật lực và suốt ngày bị dọa dẫm, đánh đập. Ngày nào cũng có những người đàn ông bản địa đến xem mặt và trả tiền cho một người phụ nữ. Dò hỏi các chị mới biết là đang bị bán về làm vợ.
Khoảng gần 1 tháng sau, chị được một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Dù không bị đánh đập nhưng gia đình nhà chồng quản thúc rất chặt. Ngoài làm việc đồng áng thì chị không được bước chân ra khỏi nhà. Nhớ con, nhớ gia đình nên nhiều lần chị định tìm cách trốn thoát. Nhưng thấy cảnh nhiều người bỏ trốn bị bắt lại và đánh đập dã man, hơn nữa không có tiền, không biết tiếng, không biết đường nên chị đành ngậm ngùi chịu đựng ở lại. Thời gian sinh sống, chị Thìn sinh được một trai, một gái cho người đàn ông này.
Trở về quê sau 23 năm lưu lạc
Chị Thìn trở về quê nhà khi bố mẹ đã không còn.
Sau khi sinh được hai người con, chị Thìn được đi lại thoái mái hơn và may mắn chị gặp được những người Việt đi làm ăn ở bên này. Chị nhờ họ gửi thư về nhà vì trước đó chị gửi rất nhiều lá thư mà không thấy hồi âm. “Tôi có bắt chuyện với một em tên Hùng quê ở Hà Tĩnh. Biết việc của tôi nên Hùng đã tìm cách liên lạc về cho gia đình tôi ở quê nhà. Ngoài ra, Hùng còn đưa câu chuyện của tôi lên mạng xã hội. Ít ngày sau, tôi đã liên lạc được với gia đình, con cái ở quê nhà”, chị Thìn cho biết.
Chị tha thiết được trở về thăm gia đình nhưng người chồng vẫn đắn đo, lo lắng chị về quê nhà sẽ không sang đây nữa. Nhưng những người Việt ở đó đã đứng ra bảo lãnh, làm tin nên người chồng đã đồng ý cho chị về thăm quê. “Chồng tôi đã bán 3 con bò lấy tiền đưa cho tôi làm lệ phí đi đường và ra hạn sau 2 tháng phải quay trở lại”, chị Thìn kể.
Sau gần 1 tuần đi đường, ngày 19/2 vừa qua, chị Thìn trở về gia đình trong niềm vui khôn xiết của con cái, anh em họ hàng. “Nhiều thứ đã thay đổi. Bố mẹ tôi đã không còn. Người con gái út đã lấy chồng. Tôi chỉ thương đứa con trai lớn không được bình thường như bao người. Ít ngày ngắn ngủi ở quê nhà tôi muốn ở gần anh em, hai người con để bù đặp lại quãng thời gian tôi không ở nhà”, chị Thìn nghẹn ngào.
Ông Trương Văn Tám - Trưởng công an xã Nghĩa Long cho biết: “Chị Trương Thị Thìn đã có đơn trình báo lên chính quyền địa phương. Việc của chị cũng đã được trình báo với cấp trên. Tuy nhiên để tìm được người đã bán chị rất khó khăn vì chị không còn nhớ tên tuổi, quê quán cũng như nhận dạng của người này. Trước mắt xã sẽ hoàn thành thủ tục đề nghị hồi phục hộ khẩu, CMND theo nguyện vọng của chị Thìn”.
Theo Vũ Đồng/Giadinh.net.vn