Nghệ An hiện có hơn 160 000 hộ nghèo, hơn 98 000 hộ cận nghèo; tổng số người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội là 132 961 người, trong đó 60.544 người cao tuổi, 78 490 người khuyết tật, Theo thống kê, số người khuyết tật nặng thuộc diện hộ nghèo là 10 306 người, 824.782 trẻ em, trong đó có 55 197 trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra còn nhiều đối tượng khác cũng cần các dịch vụ tham vấn và hỗ trợ xã hội như: người nghiện ma túy, mại dâm, người nghiện chất gây nghiện, thương binh, người có công, bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, mất đoàn kết trong gia đình…
Được biết, hiện tại trên toàn tỉnh Nghệ An có 16 cơ sở, trung tâm bảo trở xã hội,(12 cơ sở công lập và 4 cơ sở ngoài công lập). Đây cũng là những cơ sở cần có sự tham gia làm việc của nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng của trung tâm một cách hiệu quả nhất. Đến nay, số cán bộ cấp huyện phụ trách lĩnh vực bảo trợ xã hội là 21 người, cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và xã hội ở các xã, phường, thị trấn là 480 người. Cán bộ, viên chức ở các cơ sở bảo trợ xã hội là 110 người.
Hầu hết cán bộ xã hội ở Nghệ An đang thực hiện công tác trợ giúp, chăm sóc và bảo vệ các đối tượng là: trẻ em, người khuyết tật, hôn nhân và gia đình, mại dâm, sức khỏe tâm thần, HIV/AIDS, lạm dụng chất nghiện, nghèo đói, người cao tuổi… Số cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn là rất ít, chủ yếu qua những lớp ngắn hạn về công tác xã hội. Số cán bộ đã qua các khóa tập huấn công tác xã hội cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng hơn một nửa. Mặc dù thâm niên công tác của họ tương đối cao, nhưng chuyên môn nghiệp vụ đào tạo của họ lại rải rác ở nhiều lĩnh vực: Y tế, điều dưỡng, giáo dục, luật, xã hội học, kế toán và thậm chí là nông nghiệp. Chính vì vậy, họ rất cần được đào tạo, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ về công tác xã hội. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực nghề công tác xã hội hiện có, kể cả số lượng và chất lượng của tỉnh chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng và để đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đảm bảo xã hội phát triển bền vững.
UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Trung tâm Công tác xã hội trên cơ sở chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Nhân đạo Nghệ An. Trung tâm đã thiết lập, vận hành đường dây tư vấn về lĩnh vực công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An thông qua đường dây nóng.
Sau khi Trung tâm đi vào hoạt động, bước đầu đã đạt được một số kết quả, như tổ chức tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi và trẻ em khuyết tật, chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi. Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An đang nuôi dưỡng và chăm sóc 75 cháu và 1 cụ già không nơi nương tựa.
Thực hiện công tác cung cấp dịch vụ và chăm sóc cho các đối tượng, tư vấn điều trị tâm lý và phục hồi chức năng cho 14 trẻ bị khuyết tật, chăm sóc phục hồi chức năng cho 5 trẻ bị hội chứng tự kỷ, 2 em bị bệnh bại não, tư vấn trực tiếp cho nhiều trường hợp về tình trạng bạo lực gia đình.
Ngoài ra Trung tâm còn phối hợp với Bệnh viện Quân y 4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức và sàng lọc cho trẻ dưới 16 tuổi, có 300 trường hợp khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 600 trường hợp là các đối tượng thân nhân gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, hộ nghèo…
Một buổi tập huấn cho cán bộ về công tác xã hội tại Nghệ An.
Từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN, Đại học Vinh tổ chức mở lớp đào tạo Đại học hệ vừa làm, vừa học chuyên ngành công tác xã hội với 94 học viên và mở lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội với 1.232 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó việc thực hiện Đề án 32 cũng còn gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân về nghề công tác xã hội còn nhiều mặt hạn chế. Đường dây tư vấn dù đi vào hoạt động, nhưng chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ được giao.
Công tác phối kết hợp triển khai, thực hiện giữa các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ chủ yếu là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Hiểu biết của xã hội về nghề công tác xã hội còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội tuy đã được thay đổi nhưng kinh nghiệm còn hạn chế.
Ngoài ra, nguồn ngân sách của tỉnh Nghệ An đầu tư cho Đề án còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Nguồn ngân sách này mới chỉ hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công tác xã hội từ 40.000 – 50.000 đồng/người/ngày.
Trong giai đoạn tới, ngành Lao động-Thương binh và xã hội Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về nghề công tác xã hội. Phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiều của Đề án. Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Công tác xã hội và các sơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. tiếp tục tăng cường sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo; thu hút thêm nhiều sinh viên được đào tạo có đầy đủ kiến thức, phẩm chất đạo đức, được thực hành công tác xã hội, có tinh thần nhiệt huyết và lòng yêu nghề công tác xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất hoàn thành Đề án của Chính phủ../.