Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ An: Thực hiện chính sách GQVL cho lao động –“Ly nông bất ly hương”

Dịch COVID-19 đã và đang được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất, do đó nhu cầu lao động tăng cao. Đây là cơ hội cho người lao động hồi hương tránh dịch có nhu cầu ở lại quê hương làm việc, cũng là cơ hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội tỉnh trong việc lựa chọn những lao động có tay nghề và kinh nghiệm, giảm thời gian và chi phí đào tạo ban đầu.

Hiện nay, số lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương ngày một gia tăng, sau thời gian hoàn thành cách ly thì vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho số lao động hồi hương này là việc hết sức cấp thiết. Mặt khác, thời điểm này khi dịch dần được khống chế, các doanh nghiệp của Nghệ An bước vào thời kỳ phục hồi, đẩy mạnh sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng tăng cao.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án việc làm giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 lao động, bình quân mỗi năm có 42.000 lao động. Cụ thể, trong 5 năm tới, lao động nội tỉnh sẽ tăng từ 37% lên 66%; giảm lao động ngoại tỉnh từ 29% xuống còn 6,5% và xuất khẩu lao động cũng sẽ giảm từ 34% xuống 27%.

Sau gần 3 tháng trở về từ tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Văn Thành xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn quyết định tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống ngay tại quê hương.Qua tìm hiểu, anh Hào biết Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đỉnh Vàng đóng trên địa bàn huyện Nam Đàn chuyên sản xuất giày da cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động đúng với chuyên ngành mà anh đã từng làm việc tại Bình Dương nên anh đã đến ứng tuyển.

Doanh nghiệp Nghệ An GQVL cho lao động nữ tại địa phương

Doanh nghiệp Nghệ An GQVL cho lao động nữ tại địa phương

“Khi làm việc ở Bình Dương tôi có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, còn ở quê nhà thì chưa bằng song tôi vẫn lựa chọn ở lại ổn định cuộc sống thay vì tha hương như trước đây. May mắn thay việc làm mới cũng gần đúng với chuyên ngành kỹ thuật nên tôi có thể bắt nhịp nhanh với công việc," anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Ghi nhận tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An từ tháng 8/2021 trở lại đây đã có hàng trăm lao động đến tìm hiểu với mong muốn tìm được việc làm phù hợp ngay tại quê hương. Nhiều người lao động hồi hương bày tỏ, sau đợt dịch này mới thấm thía phận lao động xa quê rất cực khổ, thế nên lần này họ mong muốn tìm việc làm ở quê để gần gia đình.

Qua tìm hiểu một số công ty tuyển dụng, họ cho rằng mức lương tại quê nhà chưa thể bằng so với thu nhập trước đây, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn về quê thay vì phải đi xa. Tuy nhiên, qua khảo sát của một số địa phương thì nhiều lao động vẫn muốn quay lại chỗ làm cũ khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Được biết, TT DVVL Nghệ An thường xuyên cung cấp cho địa phương các Bản tổng hợp thông tin về các vị trí việc làm trống của các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh; Nhất là, trong tỉnh, phát 17.500 tờ rơi về cung cấp thông tin việc làm trong tỉnh, ngoại tỉnh và việc làm ngoài nước. 

Sử dụng hệ thống nhắn tin SMS, mạng xã hội ZALO, Fecbook, Web, trang fapage của Trung tâm, thành lập nhóm ZALO: kết nối việc làm – COVID - 19 để chia sẻ hoạt động. Tăng cường và đẩy mạnh thu thập thông tin việc làm trống – người tìm việc nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc, đảm bảo có dữ liệu phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, XKLĐ của người lao động qua các hình thức như: chát nhóm trên ứng dụng zalo, tin nhắn, Facebook, qua điện thoại, qua email…

Đẩy mạnh công tác cung ứng thông tin thị trường lao động qua hình thức gián tiếp và trực tuyến. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và cung cấp thông tin, trong đó chú trọng vào các hoạt động qua email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm…

Đăng tin bài và các nội dung ấn phẩm, thông tin thị trường lao động lên các Fanpage, website của Trung tâm và nhiều kênh truyền thông khác.Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tập trung đẩy mạnh đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nhất là qua hình thức trực tuyến. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm qua các hình thức gián tiếp như điện thoại, email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm…Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm, triển khai tư vấn – giới thiệu việc làm trực tuyến, thông qua các ứng dụng gọi điện, trực tuyến, mở ra các cuộc trao đổi, phỏng vấn trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp thông qua các nghiệp vụ hướng dẫn của cán bộ Trung tâm.

Khi dịch bệnh tại các địa phương đảm bảo, đơn vị chủ động phối hợp với các Doanh nghiệp có nhu các tuyển dụng, trường nghề trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh triển khai tổ chức các Tuần lễ việc làm, phiên giao dịch việc làm tại các huyện Biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương và các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Quỳ Hợp....

Thời điểm này, không chỉ người lao động chủ động đi tìm việc làm, mà tại nhiều địa phương như Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa… một số nhà máy mới xây dựng hay mở rộng quy mô sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động. Đây là cơ hội việc làm cho lực lượng lao động vừa trở về từ vùng có dịch. Điều đáng nói, số lao động trở về là những người có tay nghề, kinh nghiệm bổ sung cho các nhà máy trên địa bàn và là lực lượng dồi dào để tuyển thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia các phong trào Đoàn, Hội của địa phương trong thời gian tới.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: "Hiện nay, khó khăn lớn nhất là gặp nhau giữa cung và cầu lao động. Đây được xác định là giải pháp then chốt trong nhóm giải pháp tăng việc làm nội tỉnh, trong đó có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch. Thực tế cho thấy, kết nối cung - cầu lao động có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giữ chân người lao động. Thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp của Trung tâm DVVL".

Trung tâm DVVL tỉnh Nghệ An tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nhiệp và người lao động

Trung tâm DVVL tỉnh Nghệ An tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nhiệp và người lao động

Qua thu thập nhu cầu tuyển dụng của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đến nay đã có gần 200 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 40.000 vị trí việc làm mới, mức lương từ 6-12 triệu đồng. Trong các doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng đợt này thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, chiếm số lượng nhiều nhất là lĩnh vực may mặc xuất khẩu có 10 đơn vị cần tuyển dụng với nhu cầu hơn 10.000 người là công nhân may. Đơn cử như Công ty may Minh Anh Tân Kỳ là đơn vị mới thành lập có nhu cầu tuyển dụng 6.500 người, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mareep tuyển dụng 3.000 lao động, Công ty cổ phần tập đoàn An Hưng tuyển dụng 2.000 lao động, Công ty Matrix Vinh tuyển dụng 1.000 lao động… để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã và đang nhận hồ sơ, tiếp nhận người lao động, trong đó ưu tiên lao động từ miền Nam về. Các doanh nghiệp cũng đưa ra mức lương phù hợp tùy vào vị trí việc làm và đi kèm với các chế độ phúc lợi, chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí cho người lao động ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, không phải tha hương mưu sinh.

Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT Nghệ An, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đang có kế hoạch tuyển dụng 1.000 lao động để bổ sung vào lực lượng lao động hiện có nhằm đáp ứng đơn hàng khi dịch COVID-19 được kiểm soát.Đây là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Nghệ An thời điểm này có khu ký túc xá, có thể đáp ứng được 8.000 chỗ ở miễn phí cho công nhân. Ngoài ra, công ty hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho công nhân và 500.000 đồng/tháng cho cán bộ nếu thuê chỗ ở bên ngoài.

Các cụm công nghiệp Nghệ An mỗi năm GQVL cho hàng ngàn lao động tại địa phương

Các cụm công nghiệp Nghệ An mỗi năm GQVL cho hàng ngàn lao động tại địa phương

Doanh nghiệp này cũng có nhiều khoản hỗ trợ cho người lao động như tiền ăn 1,1 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ xăng xe đi lại... Người lao động tại doanh nghiệp này có mức thu nhập trung bình mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng tùy vị trí việc làm.Là công ty chuyên về xuất khẩu giày thể thao đi các nước châu Âu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietglory đóng tại xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 6.000 lao động từ nay đến đầu năm sau để đáp ứng yêu cầu sản xuất sau dịch COVID-19, trong đó trước Tết Nguyên đán tuyển dụng 2.000 lao động.

Ông Phạm Quang Sáng, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietglory cho rằng, di cư lao động do dịch COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn lao động có chất lượng, có kinh nghiệm. Tùy vị trí việc làm, người lao động tại công ty có mức thu nhập từ 5,5-10 triệu đồng/tháng, hàng năm tổ chức thi nâng cao tay nghề. Ngoài ra, công ty còn có chính sách hỗ trợ ăn trưa, xăng xe đi lại, nuôi con nhỏ và một phần chi phí thuê nhà ở cho công nhân lao động ở xa. Khi người lao động gắn bó với công ty thì thu nhập càng cao và ổn định như có thêm nhiều khoản hỗ trợ tiền thâm niên, trợ cấp nghiệp vụ khoảng 2 triệu đồng. Đặc biệt dịp này, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và có kinh nghiệm tay nghề, kỹ thuật về giày.  

 Giám đốc Trung tâm DVVL Nghệ An Trần Quốc Tuấn cho biết: “Trước nhu cầu lao động thời gian tới sẽ tăng cao, để giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là kết nối việc làm online giữa doanh nghiệp và người lao động.  Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ cùng với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức phiên giao dịch việc làm tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. Về phía chính quyền địa phương phải tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động để cùng với Trung tâm kết nối cung cầu lao động. Đối với người lao động cần chủ động đăng ký tìm việc làm tại địa phương và kênh tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí thông qua Trung tâm DVVL để nắm bắt thông tin vị trí việc làm, ổn định cuộc sống".

THU HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ