Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ An: Xin ra khỏi hộ nghèo để thoát nghèo

Bốn năm trước, một phụ nữ người dân tộc Đan Lai ở huyện Con Cuông (Nghệ An) có một quyết định gây chấn động bản làng khi xin ra khỏi hộ nghèo. Nay, việc viết đơn “xin ra khỏi hộ nghèo” đã lan rộng như một phong trào “Ra khỏi hộ nghèo để thoát nghèo”, trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo ở huyện miền núi có 80% đồng bào dân tộc thiểu số này.

Xấu hổ vì nghèo lâu

 Trở về từ rừng khi trời đã đứng bóng, bà La Thị Nguyệt (ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) quệt mồ hôi ướt đầm trên trán, cười nói: “Để thoát được cái nghèo cũng cực lắm nhà báo ơi”. Bà Nguyệt chính là người đã có một quyết định gây bất ngờ cho cả dân bản khi tự tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để tự thoát nghèo.

Bà La Thị Nguyệt nói: “Có quyết tâm thoát nghèo và chịu khó lao động là sẽ hết nghèo thôi”.

Năm 2002, gia đình bà Nguyệt và 29 gia đình dân tộc Đan Lai được đưa ra khỏi rừng sâu để về tái định cư tại bản Cửa Rào. Các hộ dân này được Nhà nước xây nhà, bố trí đất sản xuất với mục tiêu giúp họ thoát khỏi cái bóng đói nghèo đã đeo đẳng họ từ hàng trăm năm nay giữa đại ngàn. Thế nhưng cái mục tiêu ấy không dễ dàng thực hiện. “Ruộng chỉ có 2 sào nhưng không có nước cứ phải bỏ hoang suốt, đất rừng ít nên nghèo vẫn cứ nghèo thôi”, bà Nguyệt nói. Sau 10 năm đến vùng đất này, người Đan Lai vẫn quẩn trong đói nghèo và gia đình nào cũng thuộc hộ nghèo. Năm 2012, bà Nguyệt bất ngờ làm một việc gây chấn động khắp bản xã khi tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Trong một cuộc họp dân bản năm đó, bà đứng dậy tuyên bố xin ra khỏi hộ nghèo để tự tìm cách thoát nghèo. Quyết định táo bạo này khiến mọi người kinh ngạc. “Khi nớ ai dám. Mình lên xã nộp đơn, xã nói bà đang nghèo, ra là mất hết quyền lợi đó. Mình nói mình xin ra là để tìm cách làm ăn mà thoát nghèo chứ không muốn ngồi trông chờ Nhà nước cho gạo ăn, ta quyết tâm xin ra”, bà Nguyệt kể. Người phụ nữ rắn rỏi này cười, rồi kể tiếp: “Mình cũng suy nghĩ rất nhiều. Ra khỏi hộ nghèo rồi không còn được hỗ trợ phân bón, giống cây, không còn được cấp gạo... Nhưng mình muốn làm gương cho con cái. Ba đứa con gái đã lấy chồng, đứa mô cũng nghèo và mình không muốn hắn cứ nghèo mãi”. 

Đơn người dân viết xin ra khỏi hộ nghèo. 

Sau quyết định táo bạo này, bà Nguyệt cùng chồng vay vốn mua bò, lợn, trồng keo với quyết tâm phải hết nghèo. Năm ngoái, gia đình bà đã có 9 con bò, một đàn lợn, 6 sào keo đã cho thu hoạch, trở thành gia đình khá nhất bản. Khu vườn phía trước nhà trồng đủ các loại rau, đậu. “Mình phải siêng làm thì mới có mà ăn, chứ để đất nó nghỉ thì đói mãi à”, bà Nguyệt đúc kết.

Cách nhà bà Nguyệt chừng vài cây số, vợ chồng anh Hà Văn Hội ở bản Bắc Sơn năm ngoái nằm trong số 8 hộ dân tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đã 11 giờ trưa nhưng vợ chồng anh vẫn còn hì hục cuốc, đào trong rẫy. “Mình còn trẻ, cứ ngồi ỷ lại trông chờ Nhà nước hỗ trợ thấy xấu hổ lắm. Mình còn nghèo thật, nhưng phải xin ra khỏi hộ nghèo để tự thoát nghèo thôi”, anh Hội nói. Để thực hiện mục tiêu tự thoát nghèo, vợ chồng anh mượn đất của những hộ bỏ hoang không sản xuất để trồng lúa, hoa màu, vay vốn nuôi trâu. Và sức người đang đẩy cái bóng đói nghèo xa dần căn nhà của hai vợ chồng anh.

Không muốn trông chờ ỷ lại

 Cuối năm ngoái, cụ Lang Văn Tần (83 tuổi) cũng có một quyết định gây chấn động khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo dù cụ được ví “như chị Dậu”. Cụ Tần sống một mình từ 20 năm nay trong căn nhà bằng tre nứa trống huơ trống hoác ở bản Liên Sơn, xã Lục Dạ.

Dù nghèo “rớt mùng tơi” và không còn sức lao động nhưng cụ Lang Văn Tần vẫn không muốn mình là hộ nghèo vì cảm thấy xấu hổ.

 “Đây là một tấm gương rất đáng quý, nhất là cho những hộ gia đình trẻ, xóa bỏ được tính ỷ lại, trông chờ”, ông Phạm Trọng Bình, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ nói, khi dẫn tôi đến nhà cụ Tần. Trong căn nhà lợp tranh, thưng bằng phên nứa không có tài sản gì đáng giá ngoài cái quan tài mà cụ đã chuẩn bị sẵn cho mình kê ở góc nhà. Cụ Tần kể, quê cụ ở huyện Anh Sơn. Năm 1970, bị bom Mỹ dội sập nhà, gia đình cụ sơ tán lên vùng này. 20 năm nay, cụ sống một mình vì vợ mất, 5 người con gái cũng đi lấy chồng. 6 năm nay, cụ không thể lên rừng làm rẫy nên bị rơi vào hộ nghèo. Trong đợt dự buổi họp bình xét hộ nghèo của năm, thấy nhiều người còn khỏe mạnh giành nhau được hộ nghèo, so sánh nhau từng tí rồi tố nhau, dù được bình xét là hộ nghèo năm 2016 nhưng cụ vẫn quyết định xin rút. “Cứ ngồi hưởng chính sách mãi cũng xấu hổ nên tui phải xin ra thôi”, cụ Tần nói. 

 Trong đơn gửi xã, cụ Tần viết: “Tôi xin ra khỏi hộ nghèo để làm gương cho con cháu, không trông chờ vào Nhà nước đối với chính sách này, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”. “Xin ra hỏi hộ nghèo rồi, không được Nhà nước cấp gạo, cụ lấy gì mà sống?”, tôi hỏi. Cụ Tần nói: “Có con cháu cho, mình cũng chẳng ăn được mấy, lo chi”. Chủ tịch xã Phạm Trọng Bình kể, khi nhận được đơn của cụ, xã rất bất ngờ và rất trân trọng cụ. Hội đồng bình xét của xã sau đó nhóm họp, quyết định giữ cụ trong danh sách hộ nghèo để cụ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Xã tặng bằng khen cho cụ, tuyên dương cụ vì đã làm gương sáng cho cộng đồng.

Một góc xã Lục Dạ, huyện Con Cuông.

Khi cụ Tần gửi đơn ra xã, ông Vi Văn Diện (61 tuổi) ở bản Xằng cùng xã  cũng “gây bão” cho người dân trong xã khi viết đơn “xin rút khỏi hộ nghèo”. Buổi sáng ngày cuối tháng 12 /2015, sau khi được bản họp, chọn gia đình ông vẫn thuộc hộ nghèo, chiều cùng ngày, ông Diện viết đơn xin rút. “Tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức lao động. Hơn nữa con cái trong nhà đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Tôi không muốn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”, ông Diện viết. 4 người con của ông Diễn đều đã có gia đình nhưng đang phải chung sống trong một căn nhà sàn. Ông Diện bị tật ở tay, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động nhưng ông vẫn đưa ra quyết định dũng cảm này.

Phấn khởi vì ý thức thoát nghèo     

  Ông Phạm Trọng Bình cho biết thêm sau khi cụ Tần, ông Diện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, có 5 hộ khác cũng viết đơn xin thể hiện quyết tâm thoát nghèo. “Chúng tôi rất mừng vì điều này là tín hiệu chứng tỏ người dân đã thay đổi nhận thức, họ không chịu an phận và đã biết tuyên chiến với đói nghèo”, ông Bình nói. Lục Dạ có 1.773 hộ dân, hầu hết là đồng bào thiểu số. Năm nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm hơn 40%. Người dân chủ yếu sống bám vào rừng để sản xuất, chăn nuôi. Theo ông Bình, với vùng đất này, để đột phá làm giàu thì khó nhưng để thoát nghèo thì không phải quá khó nếu người dân tự biết vươn lên. 

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Con Cuông kể, năm 2012, ông đến xã Thạch Ngàn dự các buổi họp bình chọn hộ nghèo của các bản. Thấy người dân cãi nhau nảy lửa vì giành nhau để được nghèo, đưa tài sản xe đạp, ti vi ra để so đo với nhau, ông đã đứng lên vận động, giải thích cho người dân. “Tâm lý nhiều đồng bào là ỷ lại, không muốn làm việc, cứ để hộ nghèo để hưởng chính sách, dù chính sách không thể nuôi sống họ cả năm được”, ông Hồng nói. Năm đó, có 13 gia đình sắp thoát nghèo làm đơn xin xung phong ra khỏi hộ nghèo.

Thấy cách làm này có hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức của người dân nên phòng tiếp tục cử cán bộ đến các xã khác để giải thích cho dân. “Chúng tôi chỉ vận động để người dân có ý thức tự thoát khỏi nghèo đói, đừng ngồi chờ vào Nhà nước chứ không phải để lấy thành tích giảm hộ nghèo”, ông Hồng giải thích thêm. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm ở huyện này có ba, bốn chục hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, không hưởng chính sách hộ nghèo, năm nay là 42 hộ. Những người này thực tế họ còn nghèo nhưng sự tự trọng đã buộc họ phải tìm cách thoát khỏi sự nghèo đói đã bủa vây quanh nếp nhà sàn từ nhiều thế hệ.  

 

“Dân trong huyện còn hơn 30% hộ nghèo, hộ giàu rất ít. Cuộc sống người dân còn nhiều vất vả nhưng thấy người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khiến chúng tôi mừng vì họ đã ý thức được việc tự thoát nghèo. Từ đó, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước giúp dân thoát nghèo sẽ có tác dụng lớn hơn”, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông phấn khởi cho biết.