Những chum đựng tương truyền thống tại làng Cự Đà.
Vang bóng một thời
Câu nói “ tương Cự Đà, cà Thụy Khuê” đã in sâu vào trong tiềm thức của bao nhiêu người dân Hà Nội cũng như cả vùng xứ Đoài năm xưa. Cự Đà cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía tây, ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Nhuệ từ lâu được biết đến với sự trù phú, một thời là cửa ngõ thông thương của Thăng Long – Hà Nội với cảnh buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền. Ngoài ra ngôi làng còn được biết đến với nghề làm tương truyền thống đã nổi danh khắp cả một vùng.
Nghề làm tương ở Cự Đà có từ bao giờ thì không được sử sách ghi lại, song, theo các cụ cao niên trong làng chí ít nghề tương cũng có số tuổi ngang với tuổi của làng Cự Đà.Theo những người làm nghề nơi đây, cái khác biệt tạo nên thương hiệu riêng cho tương Cự Đà là vị ngọt và hương thơm của tương.
Tương nếp Cự Đà được tạo nên bởi hai nguyên liệu chính là gạo nếp và đậu tương, nước mưa và muối trắng. Công đoạn làm tương truyền thống gồm hai phần chính là làm mốc và làm đậu, mỗi công đoạn được chia làm nhiều khâu khác nhau. Thời gian để tạo ra một mẻ tương kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Quá trình chế biến được làm thủ công bởi bàn tay của những nghệ nhân khéo léo và không hề thêm một chất phụ gia nào, chính vì vậy mà tương vẫn giữ được một mùi vị truyền thống, thơm ngon, tinh khiết, không thể lẫn với tương của bất kỳ một địa danh nào khác.
Hàng ngày ông Đinh Văn Trọng vẫn tự tay sàng sảy từng mẻ đỗ tương.
Nỗi lo mai một làng nghề
Ở Cự Đà, nhiều người dân trong làng vẫn truyền tai nhau về thời kỳ hoàng kim, khi cả làng nhà nhà đều làm tương, cảnh buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền. Ngày ấy, nhà nào ở đây cũng nhộn nhịp, già, trẻ, gái, trai trong làng “kẻ nấu người làm suốt ngày đêm”. Nhưng do nhiều biến động của thời cuộc, làng Cự Đà nay cũng không còn trù phú như xưa, nghề làm tương cũng vì thế mà heo hắt dần. Khó khăn trong việc tìm đầu ra, làm nghề thủ công nên nguồn thu nhập của những sản phẩm đó bây giờ không đáng là bao, vậy nên giờ đây rất ít gia đình trong làng còn bám trụ lại với nghề. Tất cả đã chuyển sang các mặt hàng kinh doanh khác có lợi ích kinh tế hơn, mà ít ai còn mặn mà với cái nghề cha ông để lại từ bao đời nay.
Chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Đinh Văn Tình, năm nay ông cụ đã ngoài 80 với gần 70 năm trong nghề, có lẽ là nghệ nhân lớn tuổi nhất trong làng còn giữ được nghề làm tương truyền thống. Mặc dù tuổi đã cao, không còn đủ sức trực tiếp làm nghề, song ngày ngày cụ Tình vẫn theo sát từng mẻ tương của vợ chồng người con trai và hai người cháu nội. Ông cụ cho biết “xưa người dân cả làng đều làm tương bán khắp cả vùng, nhưng càng ngày càng ít dần nay cũng chỉ còn vỏn vẹn 5 hộ theo nghề”. Sự đi xuống của làng nghề khiến những nghệ nhân cao tuổi như ông không khỏi trăn trở.
Ở Cự Đà gia đình cụ Tình là hộ dân hiếm hoi đã bốn thế hệ làm nghề sản xuất tương nếp, và gìn giữ lại nghề truyền thống cho tới ngày hôm nay. Hiện nay mọi công việc sản xuất của gia đình ông đã giao lại cho vợ chồng người con trai là ông Đinh Văn Trọng và 2 người cháu nội. Ngày ngày trong căn nhà nhỏ cuối làng của cụ vẫn lách cách tiếng rang đậu, thổi xôi. Mọi quy trình làm vẫn y như cha ông để lại chỉ khác là đã có thêm máy rang xay giúp tiết kiệm sức lực hơn trước đây, ngoài ra các công đoạn khác đều được làm thủ công.
Sản phẩm tương Cự Đà.
Ông Trọng cho biết: "khó khăn lớn nhất với những người làm nghề nơi đây vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay các sản phẩm xuất đi các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An và miền nam… chủ yếu là khách quen tự tìm đến đặt và số lượng cũng không lớn, còn lại được các mối bán lẻ ở địa phương lấy. Khách hàng đặt đến đâu mới làm đến đấy”. Trong khi đó, ông Trọng cũng cho biết thêm, những năm gần đây dân số tăng lên, diện tích đất của làng ngày càng bị thu hẹp, khiến những hộ dân làm nghề như gia đình ông khó lòng có thể mở rộng diện tích sản xuất, vì thế mà sản lượng không thể cao. Nhiều khi khách muốn lấy thêm cũng không thể làm được”.
Khó khăn trong việc tìm đầu ra đưa sản phẩm đến với khách hàng, khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng suất lao động vẫn là những mối lo chưa có lời giải, đang khiến làng tương Cự Đà đứng trước nguy cơ mai một.