Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ sĩ Đức Dậu, người nuôi dưỡng nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Đức Dậu, trưởng nhóm nhạc gõ Phù Đổng là nghệ sĩ đa tài, đa năng am tường, biểu diễn thuần thục hàng chục loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau trên mọi miền đất nước.

 

Không chỉ biểu diễn, vì tình yêu, sự đam mê khám phá, bảo tồn gìn giữ, phát huy kho tàng phong phú, đa dạng nhạc cụ cổ truyền các dân tộc, ông đã bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc sưu tập “khủng” gần 200 loại nhạc cụ của các dân tộc Tày, Thái, H’Mông, Cao Lan Chăm, Khmer, Ê đê, Bar Nar…với khoảng 2000 hiện vật.

Nghệ sĩ Đức Dâu được trời phú cho tài năng âm nhạc bẩm sinh, có đôi tai thính nhạy và đôi bàn tay cực ký khéo léo, nên đối với ông dường như mọi thứ xung quanh mình đều có thể biến thành nhạc cụ, nhạc khí. Đam mê tất cả các loại nhạc khí dân tộc, ông luôn dành thời gian mọi lúc, mọi nơi để học cách sử dụng. Ông học đàn bầu với nghệ sĩ Bá Sách, học đánh trống với nghệ sĩ Đức Dũng (Hà Nội), học thổi sáo H’Mông với nghệ sĩ Lương Vĩnh Kim ở Lào Cai, học đáng cồng, chiêng cổ ở Hòa Bình và đánh đàn goong, đàn T’rưng với nghệ sĩ Thảo Giang ở Tây Nguyên. Nhờ đó mà khả năng diễn tấu khí nhạc cổ truyền dân tộc của ông thật phong phú, đa dạng, điêu luyện với hàng chục loại nhạc cụ khác nhau.    Nghệ sĩ Đức Dậu với cây đàn Chapi mà ông đã mất rất nhiều thời gian, tâm huyết  và công sức mới sưu tầm được                                                                                                                     

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào năm 1987, khi ông tham gia một chương trình biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa -  Thông tin, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tối ấy ông từ TP.HCM chạy xe máy một mình lên Biên Hòa, với túi nhạc cụ rất gọn nhẹ gồm vài cây sáo trúc, sáo H’Mông và một nắm lá cây. Nhưng bằng tài năng diễn tấu của mình ông đã làm say đắm bao trái tim khán giả qua cây sáo H’Mông (sáo Mèo), kèn lá…

Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn kèn lá, một trong những tiết mục mà Nhóm nhạc Phù Đổng luôn làm người nghe rất hào hứng say mê

Ông và các thành viên nhóm nhạc gõ Phù Đổng (chủ yếu là trong gia đình) của mình khi ấy mới chân ướt chân ráo tới đất phương Nam lập nghiệp, nên gặp nhiều khó khăn. Nhóm nhạc gõ Phù Đổng khi ấy chưa tạo được tiếng vang, chưa có thương hiệu, nên hễ ở đâu mời, dù show diễn vừa hay nhỏ, ông cũng đều nhiệt tình tham gia, miễn là được thể hiện trước công chúng. Rồi niềm đam mê nhạc cụ truyền thống dân tộc của ông và nhóm nhạc gõ Phù Đổng cũng đã tìm được sự đồng cảm, mến mộ, mê đắm của công chúng, trong nước và quốc tế.

                                                                                                    

Nghệ sĩ Đức Dậu thổi tù và (cũng là một nhạc cụ) tại phòng trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ dân tậc "khủng" của ông tại nhà riêng

Sau gần 30 năm kiên trì với dòng âm nhạc dân tộc qua những chương trình hòa tấu nhạc khí truyền thống các dân tộc, nhóm nhạc gõ Phù Đổng đã trở thành một thương hiệu rất đáng tự hào đối với sân khấu âm nhạc dân tộc Việt, tâm hồn Việt. Hiện nay ngoài biểu diễn thường xuyên phục vụ khách quốc tế tại Khách sạn Rex, sân khấu 36 Phạm Ngọc Thạch, ông và nhóm nhạc gõ Phù Đổng, với gần 20 thành viên, còn đi lưu diễn ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nghệ sĩ Đức Dậu giới thiệu với các cháu thiếu nhi về bộ sưu tập các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của các dân tộc Việt Nam

Từ khi coi TP. HCM là quê hương thứ hai của mình, ngoài biểu diễn ông đã dành nhiều thời gian cho công việc sưu tầm, gìn giữ bảo tồn, chỉnh lý, phổ biến, phát huy tiềm năng nhạc cụ cổ truyền các dân tộc Việt Nam. Nhiều lần trò chuyện với giới truyền thông, ông cho biết để có được bộ sưu tập như hiện nay, ông đã phải đi điền dã khắp mọi miền đất nước trong suốt nhiều năm ròng rã. Ông bảo, có những nhạc cụ cổ đã trở thành báu vật thiêng liêng của một gia đình, dòng tộc, thậm chí của cả cộng đồng một buôn làng. Những nhạc cụ như thế, mình không thể thuyết phục gia chủ để mua được bằng tiền, mà phải bằng cả tấm lòng trân trọng thiêng liêng, đầy tâm huyết và tâm linh.

Nghệ sĩ Đức Dậu giới thiệu bộ sưu tập các loại sáo của các dân tộc khác nhau mà ông đã có công sưu tầm trong nhiêu năm

Ông kể để rước được chiếc trống cổ H’gơ của dân tộc Ê đê có tuổi đời gần 300 năm, với đường kính 1,1 m được bịt bằng da voi, da trâu rừng từ một buôn làng ở Đắk Lắk về nhà, ông phải mất mấy tháng trời đi lại thuyết phục gia chủ bằng cả tấm lòng và hứa chăm sóc trống như chính bản thân minh. Thấy ông quá nhiệt tình, quá tâm huyết và khát khao sở hữu chiếc trống cổ, cuối cùng gia chủ cũng đồng ý cho làm lễ cúng giàng để anh rước báu vật về nhà. Bây giờ thì trong ngôi nhà nhỏ của ông đã có hàng trăm loại nhạc cụ cổ truyền độc đáo của 54 dân tộc anh em, với hàng ngàn hiện vật được trưng bày như một bảo tàng mi ni.