Hoàng Tùng hiện là phó đoàn 3, đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ, do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn. Anh là nghệ sĩ trẻ duy nhất của nhà hát đi theo dòng kịch câm- thể loại đang dần khan hiếm trên các sân khấu. Các nghệ sỹ kịch câm nổi tiếng của Việt Nam như Đào Kế Đoàn, Phúc Dzĩ, Phạm Tiến Dũng sẽ mãi là những tên tuổi nhưng sự liên tục với nghề không còn nhiệt huyết như thời trẻ. Hoàng Tùng cho biết, anh thấy đơn độc trong hành trình chinh phục ngôn ngữ cơ thể, quay đi quay lại vẫn chỉ có mình trên sân khấu.
* Được biết, anh hiện là Phó đoàn 3 - Đoàn kịch thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ). Sự gần gũi giữa kịch câm và kịch hình thể hẳn là sẽ không có khó khăn để anh tìm được một người bạn đồng hành?
-Tuy kịch câm và kịch hình thể rất gần nhau nhưng với từng ấy năm theo nghề, tôi hiện vẫn cô đơn trên con đường nghệ thuật. Ban đầu, nhiều người trẻ rất hăm hở tập kịch câm nhưng cứ rơi rụng dần bởi thiếu tính kiên trì và suy cho cùng là một tình yêu nồng nàn với nghề.
Đấy là chưa nói tới, kịch câm luôn tạo ra những đỉnh núi buộc các nghệ sỹ phải vượt qua. Không có lời thoại, không có múa, chỉ có âm nhạc và ngôn ngữ cơ thể biểu đạt, ngay từ khâu hình thành ý tưởng đã rất khó khăn chứ chưa nói tới quá trình hình thành và tạo nên tác phẩm. Vậy nên, không dễ gì để tìm được một người bạn đồng hành trong bước đường chinh phục kịch câm.
* Ngoài những khó khăn trên, theo anh có phải còn do khán giả cho rằng đấy chỉ là loại hình nghệ thuật dành cho trẻ con?
-Khán giả Việt Nam không có thói quen xem kịch câm. Không những thế, họ mặc định rằng, kịch câm chỉ dành cho con trẻ và loại hình nghệ thuật này không đủ sức chuyển tải những thông điệp của cuộc sống đương đại. Và còn rất nhiều những khó khăn khác của kịch câm được đặt trong bối cảnh sân khấu hiện nay. Nhưng nếu người nghệ sỹ cứ thấy khó khăn mà chùn bước thì sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì.
* Thế còn anh, làm thế nào mà anh có đủ kiên trì để theo đuổi kịch câm?
-Tôi yêu kịch câm từ nhỏ, suốt thời học phổ thông, học Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đến khi ra đi làm, tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Tôi không biết rõ chính xác lý do mình yêu kịch câm nhưng tôi biết chắc chắn tình yêu mà tôi dành cho bộ môn nghệ thuật này được tính bằng phép cộng của những năm tháng miệt mài tập luyện.
Ngoài học các nghệ sỹ trong nước, tôi còn mua băng đĩa của các nghệ sỹ kịch câm nước ngoài về tập và mở rộng tư duy để không đóng khung mình trong những động tác kinh điển của Macxen Macxô. Kịch câm của Hoàng Tùng có tiết tấu nhanh hơn và gần gũi hơn với những người trẻ. Tôi chú ý kết hợp những kỹ thuật kịch câm cổ điển và kỹ thuật hình thể hiện đại nhằm kể về câu chuyện của cuộc sống hiện đại dưới góc nhìn của cá nhân nghệ sỹ.
Tác phẩm của tôi mang một chủ đề, triết lý, suy ngẫm riêng với những cung bậc cảm xúc khác nhau khi thì hài hước, lúc lại sâu lắng, xúc động. Tôi diễn kịch câm là đem hơi thở của cuộc sống đương đại đến với khán giả và không nằm ngoài mục đích muốn xóa tan định kiến của khán giả về loại hình nghệ thuật kiệm lời này.
* Khi theo đuổi kịch câm, điều gì làm anh sợ nhất?
-Tôi luôn sợ cảm giác cô đơn khi một mình tập luyện, một mình biểu diễn. Những hôm, cả đoàn kịch thể nghiệm về hết, chỉ còn lại một mình lọ mọ trong căn phòng tập mà thấy thật nản. Nhưng khi về đến nhà, chơi đùa cùng con, đem kịch câm ra làm trò thấy cháu cười khanh khách, tôi lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Đặc biệt, vợ tôi, cô ấy rất ủng hộ việc tôi theo đuổi kịch câm. Gia đình chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp tôi duy trì được tình yêu dành cho kịch câm.
* Khi nào anh tìm được các gương mặt trẻ đồng hành cùng anh?
Đây chính là điều tôi suy nghĩ bấy lâu nay. Nỗi cô đơn của Hoàng Tùng không biết đến khi nào mới chấm dứt nếu như không tìm thấy người bạn đồng hành. Tôi nghĩ mình phải hành động nhiều hơn bằng việc tổ chức các chương trình biểu diễn kịch câm, dạy các lớp kịch câm để khán giả biết tới sự hiện diện của bộ môn nghệ thuật này trong đời sống.
Và biết đâu trong những chương trình, những lớp học như thế, tôi lại tìm thấy một gương mặt trẻ cũng yêu và muốn gắn bó với kịch câm như tôi.