Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Nghe theo tin đồn dùng thuốc đồn ký ninh (Chloroquine) chữa Covid-19: Nguy hiểm khó lường, coi chừng mất mạng

Bắt đầu từ cuối tuần trước, một cơn sốt nho nhỏ lùng mua chloroquine và hydroxychloroquine được đồn đại là để phòng và chữa Covid-19 đã khiến các bác sĩ và dược sĩ lo sốt vó.

Ngay tại Vũ Hán gần đây, một phụ nữ đã uống 1,8 gram thuốc chloroquine đặt mua trên mạng sau khi nghi ngờ mắc COVID-19, dẫn đến rối loạn nhịp tim ác tính, có thể gây đột tử. Bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu (Hãng tin Bloomberg ngày 20/03/2020 dẫn nguồn tin từ một tờ báo có trụ sở ở Thượng Hải).

FDA xác nhận chưa có phương pháp hay loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị hoặc dự phòng COVID-19

Hôm 19/02/2020, FDA thông báo chỉ đang "tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phương pháp điều trị cho COVID-19", cũng như phối hợp với các trung tâm nghiên cứu để "khảo sát việc sử dụng chloroquine, xác định liệu xem thuốc có thể dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ đến vừa hay không". Tóm lại, cloroquine hay một chất tương tự là hydroxychloroquine vẫn chưa được FDA phê duyệt trong điều trị hoặc dự phòng cho COVID-19, mà mọi thứ chỉ đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm in vitro và nghiên cứu lâm sàng.

Tin đồn dùng ký ninh (Chloroquine) chữa Covid-19: Nguy hiểm khó lường, coi chừng mất mạng - Ảnh 1.

Đó là vì một thuốc hay một phương tiện điều trị bệnh luôn cần một thời gian dài nghiên cứu (có thể đến 15-20 năm) để xác định hiệu quả, độ an toàn, liều lượng phù hợp,… trên mô hình động vật và người tình nguyện trước khi có thể được sử dụng đại trà. Trong một số ít trường hợp, khi nhu cầu điều trị bệnh là hết sức bức thiết như trong đại dịch COVID-19 này, một thuốc có thể được xem xét phê duyệt nhanh chóng hơn, tuy nhiên, vẫn phải chứng minh được độ an toàn và hiệu quả điều trị qua các nghiên cứu được xây dựng chặt chẽ và khoa học. Chloroquine và hydroxychloroquine là các thuốc đang được xem xét khẩn trương như vậy trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng lan rộng vượt mức kiểm soát.

Chloroquine và hydroxychloroquine dùng quá liều có thể gây tử vong, hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu

Chloroquine và hydroxychloroquine là các thuốc đã được sử dụng rộng rãi từ lâu trong điều trị và dự phòng sốt rét cũng như một số bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch của con người như lupus ban đỏ hệ thống hay viêm khớp dạng thấp. Các bệnh lý kể trên đây đều là các bệnh nặng và dai dẳng, khó điều trị với các thuốc thông thường. Do vậy, mặc dù đã biết đến những độc tính của thuốc nhưng vẫn phải sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân, nhưng liều lượng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng giữa lợi và hại. Thuốc rất nguy hiểm khi dùng quá liều.

Tin đồn dùng ký ninh (Chloroquine) chữa Covid-19: Nguy hiểm khó lường, coi chừng mất mạng - Ảnh 2.

DS Phạm Công Khanh.

Cụ thể, trong điều trị lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, liều từ 20 mg/kg trở lên có thể gây độc; liều 30 mg/kg có thể gây tử vong trong 2-3 giờ sau khi uống thuốc. Nếu nó xảy ra ở cộng đồng sẽ rất nguy hiểm khi không kịp cấp cứu và hiện cũng chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.

Thuốc cũng tích lũy nhiều ở gan, thận, phổi và mắt, có thể dẫn đến tác dụng phụ giảm thị lực và bệnh võng mạc, nguy cơ gây mù lòa.

Các báo cáo cho thấy tỷ lệ bệnh võng mạc do hydroxychloroquine có thể dao động trong khoảng từ 0,38% - 0,68% và mất đến vài tháng đến cả một năm mới thải trừ hết ra khỏi cơ thể.

Chloroquine cũng liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác, từ nhẹ như đau đầu, ban da, ngứa, rối loạn tiêu hóa, đến nặng như tác dụng trên tâm thần (loạn thần, mê sảng, mất ngủ…), giảm thị lực và thính lực, suy tủy, giảm các dòng tế bào máu, độc tính trên tim mạch….

Trong thập niên 1960-1970, các khảo sát về việc sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine đã ghi nhận ít nhất 134 ca quá liều liên quan đến thuốc (bao gồm cả những trường hợp tự tử hoặc nghi ngờ tự tử); trong đó, hơn 3/4 số ca dẫn đến tử vong.

Một nghiên cứu dịch tễ học do Ball và cộng sự thực hiện ở Zimbabew năm 2002 cho thấy trong 544 trường hợp bệnh nhân ngộ độc do một loại thuốc được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án, thì có hơn 53% trường hợp là do thuốc kháng sốt rét. Trong nhóm bệnh nhân ngộ độc do thuốc kháng sốt rét, ngộ độc do chloroquine chiếm đến 96,2% (279 ca), cao hơn rất nhiều so với ngộ độc do các thuốc khác (5,7% so với 0,7%).

Trong trường hợp của COVID-19, liều lượng thực sự có hiệu quả và an toàn của chloroquine và hydroxychloroquine vẫn chưa được xác định, do đó nguy cơ rất cao là người bệnh hoặc dùng quá liều gây độc tính hoặc ngược lại, dùng liều quá thấp, không có tác dụng gì.

Lời khuyên của dược sĩ

Thuốc là con dao hai lưỡi, vừa giúp điều trị bệnh, những đồng thời cũng có thể gây nên nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do vậy, khẩn thiết khuyên các bạn chỉ sử dụng thuốc khi nó đã được cơ quan quản lý y tế hữu trách chấp thuận, và được bác sĩ chuyên khoa kê đơn. Tùy tiện dùng thuốc chẳng những không khỏi bệnh, gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn dẫn đến gia tăng nguy cơ phát triển đề kháng thuốc trong cộng đồng. Bệnh COVID-19 dù thật sự nguy hiểm, nhưng vẫn chưa nguy hiểm bằng các thông tin không chính xác đang tràn lan.

Tài liệu tham khảo:

1. U.S. Food and Drug Administration. Coronavirus (COVID-19) Update: FDA Continues to Facilitate Development of Treatments. Ngày 19/03/2020.

2. Thomas Stokkermans; Georgios Trichonas. Chloroquine And Hydroxychloroquine Toxicity. StatPearls. Cập nhật: 04/06/2019.

3. Cẩm nang Hướng dẫn sử dụng thuốc sốt rét. Hà Nội, 2016.

4. Aronson J.K. (2016). Meyler’s Side Effects of Drugs The International Encyclopedia of Adverse Drug Reactions and Interactions 16th edition. Elsevier.

5. Good MI, Shader RI. Behavioral toxicity and equivocal suicide associated with chloroquine and its derivatives. Am J Psychiatry. 1977;134:798–801.

6. Ball DE, Tagwireyi D, Nhachi CF. Chloroquine poisoning in Zimbabwe: a toxicoepidemiological study. J Appl Toxicol 2002; 22(5): 311–15.

7. Bloomberg. Virus Drug Touted by Trump, Musk Can Kill With Just Two Gram Dose. Ngày 20/03/2020.