Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ thuật tuồng trước nỗi lo mai một

Đến hẹn lại lên, Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 diễn ra từ ngày 20 - 29/8/2016, tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng. Khác với những lần thi trước đó, cuộc thi năm nay đặt các đơn vị vào sự thử thách nặng nề của việc gìn giữ và phát triển một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời nhất Việt Nam.

Mất dần đất sống

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSKVN, người gắn bó nhiều năm với nghệ thuật tuồng, cuộc thi cách đây ba năm đã cho thấy sự đi xuống của các đơn vị nghệ thuật vì không có tác phẩm nào thực sự đặc sắc. Thực trạng nghệ thuật Tuồng - loại hình sân khấu cổ nhất từ lâu đã khiến người trong nghề trăn trở rất nhiều. Nhiều năm qua, loại hình này gần như không còn đất sống trên các sân khấu hiện đại. Tại các nhà hát, tuồng truyền thống cũng đang khiến những người tâm huyết canh cánh nỗi lo: Rồi mai đây, nó sẽ thế nào khi không ai còn diễn được và khán giả sẽ hỏi, đó là cái gì mà lạ thế? Tuồng truyền thống hay còn gọi tuồng cổ không những lâu đời mà có giá trị tư liệu và học thuật cao nhất. Nó là thước đo bề dày, sự giàu có và tầm vóc của một đơn vị kịch hát dân tộc.

NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Tuồng truyền thống có lời thoại thiên về văn học cổ, nhiều từ Hán. Thêm nữa, nội dung phản ánh thường là trung quân, ái quốc nên có thể khó tiếp cận với khán giả hiện đại. Điều đặc biệt, tuồng cổ chứa đựng yếu tố đồng sáng tạo giữa nghệ sĩ và khán giả. Chẳng hạn, trên sân khấu không bài trí, diễn viên phải thể hiện được cảnh núi đồi, sông biển qua diễn xuất, động tác sao cho người xem “cảm” được. Qua đó, niềm hứng khởi của khán giả tạo hưng phấn cho nghệ sĩ. Tiếc là, cách thưởng thức này không còn nữa và dẫn đến hệ quả, tuồng truyền thống ngày càng xa rời sự hiểu biết của công chúng. Khi trình độ thưởng thức của khán giả đi xuống, có nghĩa khả năng của nghệ sĩ không thể tiến bộ. “Trước kia, diễn viên và người xem có quan hệ gần như ruột thịt. Sự thân thiết này được bồi đắp qua từng thế hệ song ngày nay đã mất", nghệ sĩ tiếc rẻ.

Cùng chung sự nuối tiếc, NSƯT Hán Văn Tình, người gắn bó sân khấu tuồng trên 30 năm chia sẻ: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng được các nghệ nhân lành nghề truyền dạy cách hát và diễn tuồng cổ. Qua thời gian, nghệ thuật này bị tam sao thất bản và giảm sút rõ rệt”.

Vở “Phật hoàng Trần Nhân Tông”- tác phẩm dự thi của Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

Theo NSƯT Hán Văn Tình, sự rơi rụng bắt nguồn từ những người thầy và một phần bị chi phối bởi thị hiếu khán giả. Ví dụ, trong các vở tuồng cổ, động tác múa của diễn viên phải “vuông bờ sát góc”, mọi hành động được yêu cầu thật chỉn chu. Sự khắt khe này có thể không được khán giả hưởng ứng, song người trong nghề thực sự hụt hẫng nếu thấy thiếu vắng trên sàn diễn.

Đầu tư mạnh cũng khó tránh mai một

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, sở dĩ những tinh hoa của nghệ thuật tuồng ngày càng bị thất truyền là bởi các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay chủ yếu chạy “sô” biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn. Bên cạnh đó, diễn viên mải làm nhiều nghề, như đi hát hội, hát đám cưới để kiếm thêm thu nhập nên ít để tâm đến nghiệp diễn. Diễn viên ngày xưa được bao cấp, chỉ biết sống và diễn cho tốt, không biết làm gì thêm. Đời sống diễn viên tuồng so với công nhân, nông dân khá hơn. Lúc đó, người dân cũng không có tivi để ngồi ở nhà suốt ngày.

NSND Lê Tiến Thọ bộc bạch: “Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tối nào chúng tôi cũng diễn. Khán giả xem đến thuộc vở mà vẫn thích, và họ “soi” diễn viên rất kỹ.  Diễn viên vì thế bắt buộc phải tiến bộ. Ngọc càng mài càng sáng, diễn viên càng diễn càng hay. Quay lại cảnh diễn của mình lúc mới lên sân khấu, hai năm sau cũng vai đó nhưng xem khác hẳn”. Thời đỉnh cao, nhiều vở diễn được 500 buổi, 300 buổi, diễn viên thuộc hết thoại của tất cả các nhân vật, còn bây giờ một vở dựng xong, có khi 2 năm sau chưa được diễn, như vậy, diễn viên có muốn cũng khó mà giữ những tinh túy của nghề.

Để chuẩn bị cho cuộc thi tài định kỳ năm nay, không ít những nhà hát sẵn sàng đầu tư mạnh tay nhưng chỉ nhìn qua thôi cũng biết, nghệ thuật tuồng đang quá bi đát. Tác giả viết tuồng thì gần như không còn mấy, đạo diễn thì chỉ quanh quẩn ở khoảng 20 gương mặt trên cả nước. Mà có dựng vở cũng ít cơ hội được diễn, có diễn cũng chẳng mấy khán giả đi xem. Cứ ba năm một lần, các nhà hát lại đầu tư nhiều tiền để dựng vở đua tài song, nếu không có đất sống thực sự, bộ môn này sẽ không tránh khỏi bị mai một.