Có hiệu lực từ 1/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có sự điều chỉnh về mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và thẩm quyền xử phạt của một số chức danh…
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các nội dung sửa đổi, bổ sung đã nêu ra một số điểm đáng quan tâm sau:
Mô tả rõ hơn đối với một số hành vi vi phạm
– Điểm g khoản 3 Điều 5, điểm m khoản 1 Điều 6, điểm e khoản 3 Điều 7 đã giải thích cho người dân hiểu rõ về khoảng thời gian bắt buộc người điều khiển các phương tiện xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng phải sử dụng đèn chiếu sáng là từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau và khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
– Gộp chung hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Hành vi lái xe vượt đèn vàng sẽ có mức xử phạt tăng gần gấp đôi (lên tới 2 triệu đồng đối với ô tô) so với mức hiện hành.
– Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Điều khiển xe ô tô vận chuyển hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm (điểm đ khoản 3 Điều 16);
– Khi điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau mà người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì không bị xử phạt.
Bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm
Nghị định mới cũng bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:
– Người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; Trốn nộp (không nộp) phí sử dụng đường bộ theo quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; Điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà: phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng, tước GPLX từ 1 – 3 tháng.
– Người điều khiển xe thực hiện hành vi: lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
– Cá nhân, tổ chức có hành vi: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị làm nơi trông, giữ xe.
– Tổ chức thực hiện thu phí đường bộ để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí.
Tăng mức xử phạt với một số hành vi
– Nhóm vi phạm về nồng độ cồn:
+ Đối với ô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (điểm a khoản 9 Điều 5) lên tới 18 triệu đồng so với mức cao nhất là 15 triệu đồng hiện hành. Tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng lên tới tối đa 6 tháng.
+ Đối với mô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 6) từ tối đa 1 triệu đồng lên mức tối đa 2 triệu đồng. Tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX từ 02 tháng lên tối đa 5 tháng.
– Nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ:
+ Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h bị phạt 3 – 4 triệu đồng (mức hiện hành 2-3 triệu đồng).
– Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc:
+ Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc (điểm b khoản 5 Điều 6): tăng mức phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng lên mức 500.000 – 1.000.000 đồng; bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 01 đến 03 tháng;
+ Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng lên mức từ 400.000 – 600.000 đồng;
+ Người đi bộ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng lên mức từ 100.000 – 200.000 đồng;
+ Người điều khiển xe ô tô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định: tăng mức phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng lên 5.000.000 – 6.000.000 đồng.
Để tăng cường kiểm soát xe quá tải ngay tại đầu nguồn hàng, Nghị định 46 bổ sung quy định Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi “xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô vượt quá trọng tải cho phép chở của xe” (khoản 7 Điều 69).