Chuyện của Châu Bảo
Mối tình đầu, Bảo trao cho chàng trai lỡ va vào ma túy nhưng Bảo vẫn quyết lấy và dám sống với quyết định của mình dù biết nguy cơ bị HIV rất lớn. Ngày sinh bé Bo, Bảo biết mình mắc bệnh HIV từ chồng nhưng Bảo vẫn ngập trong hạnh phúc vì bé Bo đứa con của cô và chồng an toàn không bị bệnh. Nhưng khi bé Bo lên 5 thì chồng mất, đoán biết trước điều sẽ xảy ra, Bảo gạt nước mắt đi điều trị ARV, tham gia câu lạc bộ những người có H ở địa phương.
Từ câu lạc bộ này, Châu quen anh Phúc, ông xã bây giờ. “Tụi em sanh thêm bé Nhi, phần là muốn “làm mẫu” cho anh em trong câu lạc bộ. Mọi người có HIV, sợ lây sang con nên không dám có bầu. Nhưng tụi em tuân thủ điều trị, phòng ngừa cho con, sinh Nhi khoẻ mạnh, chứng minh mình làm được chuyện khó tin nhứt! Tết năm đó vui tưng bừng! Mấy cặp liền sanh con với báo “hai vạch”” – Châu Bảo kể.
Khi kinh tế ổn, vợ chồng Châu Bảo đứng ra thành lập câu lạc bộ Dừa Xanh nhằm kết nối và hỗ trợ cho những bệnh nhân nhiễm HIV. Sau 10 năm hoạt động để trợ giúp nhiều người hơn, Châu Bảo gom mấy nhóm ở Bến Tre thành Liên minh Nhân Ái, chuyên giúp đỡ trẻ có cha mẹ có H, hoặc bị ảnh hưởng, nhận chuyển hỗ trợ của các mạnh thường quân. Đặc biệt tham gia hỗ trợ các bạn đang điều trị methadone, duy trì điều trị cả methadone, Lao, ARV.
Chia sẻ về việc hỗ trợ cho nhóm người sử dụng ma túy, Châu Bảo cho biết, nguy cơ mắc lao ở nhóm đối tượng này cao hơn hẳn những người khác vì nhiều lý do. Về sức khỏe, họ thường mắc cả các bệnh khác (cả về thể chất và tâm thần, ví dụ HIV, viêm gan siêu vi B/C…), lại có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch đã bị suy giảm, dễ mắc các biến chứng hô hấp. Nhiều người sử dụng ma tuý cũng còn khó khăn về kinh tế và xã hội, họ có thể thất nghiệp hoặc làm các công việc không chính thức, họ có thể từng là phạm nhân, bị giam giữ; hoặc có điều kiện sống chật chội, thường phải dùng chung đồ dùng và vật dụng với người khác.
“Tất cả những yếu tố kể trên khiến cho những người đã và đang sử dụng ma tuý có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn đại đa số những nhóm dân số khác. Chính vì vậy, mình chọn đối tượng này hỗ trợ vừa giúp họ cai được ma túy mà giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lao” – Châu Bảo chia sẻ.
Người mắc bệnh Lao sợ nhất là bị kỳ thị
Chia sẻ thêm về những hoạt động cộng đồng mình đang theo đuổi, Châu Bảo không chút đắn đo nói, mình đã yêu, sống và chứng kiến chồng mình sử dụng ma túy nên bản thân rất hiểu và chia sẻ. Tâm lý chán nản và sự phụ thuộc vào ma tuý khiến cho người sử dụng ma tuý ít quan tâm đến sức khoẻ của mình, phần lớn trong số họ cũng chịu sự thờ ơ của người xung quanh nên việc chủ động đi khám khi gặp vấn đề sức khoẻ thường rất hiếm, điều này khiến việc phát hiện tình trạng nhiễm lao càng trở nên khó khăn. Thêm vào đó, khả năng tiếp cận đến dịch vụ y tế của người sử dụng ma tuý lại rất kém do cộng hưởng nhiều yếu tố liên quan đến kỳ thị - phân biệt đối xử, không có giấy tờ tuỳ thân, không được đăng ký cư trú và không tham gia bảo hiểm y tế...
Chính vì vậy, mỗi ngày mình đều tự nhủ chỉ cần cố gắng một chút, tin tưởng vào lựa chọn mình đã chọn chắc chắn sẽ thành công. Với niềm tin, quyết tâm sống vì cộng đồng Châu Bảo và các thành viên trong nhóm Nhân ái đã mang đến bao nụ cười, niềm tin, sự sống cho những người sử dụng ma túy mắc bệnh Lao.
Là nhóm hoạt động vì cộng đồng nhưng chia sẻ về những khó khăn Châu Bảo cho biết, cái khó khăn với nhóm không phải là kinh phí mà chính là sự e ngại sợ bị kỳ thị của những người sử dụng ma túy, HIV, nhiễm Lao. Chính vì vậy, bên cạnh hỗ trợ về vật chất, thuốc… công tác truyền thông được Châu Bảo và các thành viên chú trọng. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng Liên minh nhóm Nhân ái vẫn tổ chức được 33 cuộc truyền thông cho cộng đồng cho các nhóm đối tượng, năm 2021 đến nay đã tổ chức được 18 cuộc truyền thông.
“Tuân thủ điều trị cũng là một vấn đề nan giải trong điều trị lao đối với người đang sử dụng ma tuý. Do đó để hỗ trợ người sử dụng ma tuý tuân thủ điều trị, trước hết cần gạt bỏ định kiến về tình trạng nghiện ma tuý, nhưng luôn xét đến những tác động của ma tuý làm tăng nguy cơ bỏ điều trị đối với nhóm bệnh nhân này” – Châu Bảo cho biết. Nhiều người thường hay áp đặt, nói “thằng đó ở tù về, hay có HIV mắc bệnh Lao là coi như tiêu, không làm gì được nữa”. Em không nghĩ vậy, người còn sống là còn hy vọng, chúng ta giúp họ khỏe mạnh chính là xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh” – Châu Bảo giãi bày.
Không chỉ chịu sự kỳ thị từ xã hội, người sử dụng ma túy còn tự kỳ thị chính bản thân mình, do vậy, thường có tâm lý tránh né, không nghĩ là mình bị bệnh, hoặc từ chối khám chữa, điều trị khi bị bệnh, kể cả khi người khác đã thuyết phục điều trị. Quan trọng hơn, dưới ảnh hưởng của ma tuý, họ thường có cảm giác không đúng về tình trạng sức khoẻ thật của bản thân, nghĩ là mình rất ổn, vẫn khỏe mạnh, bỏ qua các triệu chứng thật. Do vậy, càng khiến việc phát hiện lao trở nên khó khăn.