Khi Nghị quyết 11/NQ-CP đi vào cuộc sống
Trong căn nhà mới được đưa vào sử dụng cuối năm 2020, anh Trần Hữu Long, tổ dân phố 1, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, Quảng Bình chia sẻ: “Ngày gia đình tôi vào nhà mới, bà con họ hàng ai cũng mừng cho vợ chồng tôi. Gia đình tôi thuộc hộ có thu nhập thấp nên không có khả năng để xây nhà mới. Năm 2020, niềm vui đến với vợ chồng tôi khi được tiếp cận nguồn vốn vay nhà ở xã hội của NHCSXH. Cùng với số tiền tiết kiệm được và số tiền vay 500 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình tôi đã xây dựng ngôi nhà kiên cố, khang trang để ổn định cuộc sống. Nếu không có gói vay ưu đãi này thì không biết đến khi nào chúng tôi mới có ngôi nhà để ở. Cho vay nhà ở xã hội là chương trình rất thiết thực, ý nghĩa của Đảng và Nhà nước”.
Anh Long cũng cho biết, gói vay nhà ở xã hội này phù hợp với người có thu nhập thấp như vợ chồng anh bởi thời gian trả nợ dài, không tốn chi phí làm hồ sơ vay vốn và số tiền trả nợ gốc được trả theo kỳ. Với số tiền vay 500 triệu đồng, mỗi tháng vợ chồng anh trả cả gốc lẫn lãi là 4,5 triệu đồng, thời gian trả kéo dài đến 200 tháng. Nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã giúp gia đình anh Long và những hộ có thu nhập thấp, gia đình chính sách khác có thêm cơ hội được xây nhà để ổn định cuộc sống.
Cho vay nhà ở xã hội là một trong những gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11. Gói vay triển khai đã giúp nhiều cán bộ, công nhân, viên chức và đối tượng chính sách được thụ hưởng. Cũng theo Nghị quyết số 11, gói vay dành cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi lại việc sản xuất, kinh doanh sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Năm 2014, cơ sở nhóm trẻ tư thục Nguyễn Thị Viên (TP Đồng Hới – Quảng Bình) ra đời. Mặc dù là cơ sở nhỏ nhưng sau nhiều năm hoạt động, cơ sở này đã tạo được uy tín với phụ huynh. Vì vậy, số lượng các cháu đến học vào mỗi học kỳ luôn đạt từ 16 - 17 cháu. Trong 7 năm liền, cơ sở đã duy trì hoạt động nuôi dạy trẻ và trả lương cho 3 giáo viên theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, cơ sở nhóm trẻ tư thục này buộc phải dừng hoạt động trong nhiều tháng liền để bảo đảm quy định phòng, chống dịch của chính quyền địa phương. Không hoạt động, cơ sở không có nguồn thu nên không thể chi trả lương cho giáo viên trong các tháng đóng cửa.
Bà Nguyễn Thị Viên - Quản lý cơ sở nhóm trẻ tư thục Nguyễn Thị Viên chia sẻ: “Trong thời gian hơn 3 tháng phải đóng cửa do dịch Covid-19, cơ sở không có nguồn thu nào, bởi vậy chúng tôi không thể chi trả lương cho các giáo viên. Khi tình hình dịch đã tạm ổn, chúng tôi lại gặp khó khăn vì không có kinh phí để sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn của chúng tôi. Được biết đến gói vay ưu đãi dành cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, chúng tôi đã làm thủ tục để vay vốn. Số tiền cơ sở được vay từ NHCSXH là 80 triệu đồng. Chúng tôi đã sử dụng để trả lương cho giáo viên, mua sắm lại đồ chơi cho các em và các trang thiết bị như quạt, điều hòa, sửa lại phòng học”.
Kịp thời giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi
Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Nghị quyết số 11 đã ra đời. Nghị quyết triển khai với 5 gói vay là: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại Quảng Bình, Nghị quyết số 11 được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022. Khi được triển khai, các đơn vị, địa phương đã cố gắng, phấn đấu giải ngân nhanh nguồn vốn nhằm đưa vốn vay kịp thời đến các doanh nghiệp, người dân.
Phó Giám đốc NHCSXH TX Ba Đồn Lê Quang Ngọ cho biết: Sau khi nhận nguồn vốn từ chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình giải ngân, NHCSXH thị xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giải ngân đến từng người dân. Đến nay, dư nợ chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn thị xã là 41,1 tỷ đồng với 409 khách hàng vay vốn. Riêng gói vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vẫn còn tồn đọng do nhu cầu vay không có. Trong thời gian tới, NHCSXH TX Ba Đồn sẽ tiếp tục giải ngân các gói vay và đề xuất chuyển đổi gói vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập để phù hợp với nhu cầu vay của người dân.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cho biết: Nghị quyết số 11 là chủ trương, chính sách đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi kinh tế - xã hội của địa phương sau dịch Covid-19. Ngay sau khi được phép giải ngân các gói vay, đơn vị đã phấn đấu giải ngân nhanh các gói vay về địa phương. Đến nay, nhiều gói vay đã giải ngân đạt 100% kế hoạch tăng trưởng, như: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội. Tính đến ngày 31/10/2022, dư nợ thực hiện theo Nghị quyết số 11 đạt gần 380 tỷ đồng, hoàn thành 98,87% kế hoạch tăng trưởng.
Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Sau khi giải ngân, NHCSXH sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp nhận hồ sơ để thực hiện cho vay theo kế hoạch của Trung ương giao.