Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Nghiên cứu giải pháp KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình NTM để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp KHCN xây dựng NTM để áp dụng cho CTMTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu cụ thể Chương trình phấn đấu 70% số đề tài, dự án thuộc Chương trình có kết quả được công bố trên các tạp chí KHCN và phải có tài liệu, sổ tay hướng dẫn chuyển giao công nghệ; 100% các đề tài có kết quả được áp dụng vào thực tế xây dựng NTM; xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp…

Quảng Trị đề nghị giảm phí, chuyển trạm thu phí đường bộ

Ngày 14/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính xem xét giảm giá thu phí sử dụng đường bộ cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thường xuyên qua lại Trạm thu phí BOT Quảng Trị, đặt tại xã Triệu Giang (Triệu Phong) và chuyển Trạm thu phí này đến vị trí giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), nhưng vẫn bảo đảm khoảng cách với Trạm thu phí đặt tại Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) là 70 km.

Trước đó, ngày 13/12/2016, mức phí mới đối với các loại phương tiện qua Trạm thu phí BOT Quảng Trị được điều chỉnh tăng thêm từ 15 nghìn đến 40 nghìn đồng/mỗi loại phương tiện. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc tăng phí cao đã khiến người dân địa phương bức xúc, nhất là người dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà vì phải thường xuyên qua về trạm thu phí.

Gia hạn thỏa thuận thương mại gạo với Philipines đến hết năm 2018

Bộ Công thương cho biết, vừa qua, Bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Phi-li-pin năm 2010 đã chính thức được gia hạn cho giai đoạn tiếp theo từ ngày 31/12/2016 đến hết 31/12/2018. Những năm qua, Thỏa thuận nêu trên đã được triển khai tích cực, đóng góp phát triển quan hệ thương mại gạo tốt đẹp giữa hai nước. Giai đoạn 2011-2015, Philipines luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng, chiếm từ 17 đến 20% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu ra thế giới hằng năm. Hằng năm, Philipines nhập khẩu từ 500 nghìn đến gần 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam tùy theo tình hình sản xuất và tạm trữ của thị trường; góp phần ổn định thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thị trường gạo thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp. 

Công bố bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống

Ngày 15/1, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp các hiệp hội nước mắm truyền thống tổ chức công bố Bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam. Theo đó, nguyên liệu dùng để chế biến nước mắm truyền thống là cá biển, muối biển, nước, chất tạo ngọt và chất điều vị. Nước mắm truyền thống được phân thành ba hạng, dựa theo độ đạm tổng số. Trên các dụng cụ chứa đựng nước mắm để bày bán ít nhất phải ghi “Nước mắm truyền thống” và hàm lượng đạm toàn phần… Việc ra đời Bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống là cần thiết để các doanh nghiệp nước mắm cùng liên kết, vượt qua khó khăn để phát triển.