Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 ở nước ta, nhất là đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm một phần đời sống của người lao động bị thất nghiệp và gia đình của họ.
Theo Thống kê Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 412.733 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Gần 913 nghìn lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và 10.651 người được hỗ trợ học nghề.
Tính đến hết tháng 7 năm 2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong số này, có hơn 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian từ tháng 7 đến nay cũng là thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều địa phương chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với người lao động ở các địa phương này phải chuyển sang hình thức gián tiếp.Nhiều trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh, thành phố tạm dừng các giao dịch trực tiếp tại trụ sở chính, các cơ sở và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh đối với người lao động đến làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong trường hợp thật sự cần thiết, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng, thông báo có việc làm (chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp) theo đường bưu điện bằng thư bảo đảm đến các điểm tiếp nhận của Trung tâm. Mọi quyền lợi của người lao động vẫn được bảo đảm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ người lao động trong đó có lao động thất nghiệp cũng được triển khai , Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 12 chính sách hỗ trợ. Một trong những nội dung hỗ trợ của Nghị quyết là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Ước tính, 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Qua đó, duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng này.
Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng một số điều kiện.
Đó là đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng cho một lao động mỗi tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.Thời điểm nộp hồ sơ hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý dịch vụ công hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ) đang nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép người lao động thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo điều kiện cho người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.