Bìa cuốn "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng".
-Khi đọc "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng" do bà Monique Brinson Demery viết, cảm giác của tôi là tác giả có cái nhìn rất chủ quan khi viết về các nhân vật có thật trong lịch sử. Ông nghĩ sao về điều này?
-Nhà nghiên cứu lịch sử - dịch giả Lê Nguyễn: Đáng tiếc là tôi chưa có điều kiện để đọc kỹ nội dung tác phẩm của Monique Brinson Demery viết về nhân vật Trần Lệ Xuân của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) những năm 1954-1963.
Song tôi có thể xác định rằng đây không phải là một tác phẩm biên khảo lịch sử về một nhân vật được nhắc đến nhiều trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Đây có vẻ là một hồi ức được diễn đạt bởi ngòi bút phóng túng của một tác giả nữ người Mỹ. Song khi cầm cuốn sách của Demery trong tay, và dù chỉ đọc lướt qua như tôi, người đọc dễ dàng đứng trước ít nhất 3 câu hỏi:
- Liệu trí nhớ của một phụ nữ hơn 80 tuổi sống xa đất nước từ năm 39 tuổi có còn trung thành với bà không?
- Trong câu chuyện kể của bà Trần Lệ Xuân mà tác giả Demery đã dựa phần lớn để kể lại với người đọc, liệu có những “vùng cấm” nào mà bà đã đặt ra cho chính bà, và cho người đọc bà sau này?
- Khả năng tiếp thu thông tin, nắm bắt chúng trong bối cảnh một xã hội khi cô chưa ra đời liệu có giúp Demery một cách mỹ mãn không?
Những câu hỏi này chắc là Demery không thể trả lời thỏa đáng, mà mỗi độc giả khi đọc xong tác phẩm của cô phải tìm ra câu trả lời cho mình, dựa vào những hiểu biết, kinh nghiệm và số tư liệu tích lũy, khai thác được.
Đọc cuốn sách, dù tác giả bám vào những vấn đề, sự kiện xảy ra trong cuộc đời người phụ nữ như lời vị thầy bói gia đình tiên đoán “Thật là ngoài sức tưởng tượng!”, “Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn”, nhưng cuốn sách vẫn mang tính “tiểu thuyết” hơn là được viết trên sự nghiên cứu lịch sử một cách khoa học, khách quan?
- Trở về với cương vị một người từng trải qua 9 năm sống dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, cảm giác đầu tiên của tôi về nhân vật Trần Lệ Xuân là sự cường điệu quá đáng của nhiều tác giả, nhiều phương tiện truyền thông về vai trò của bà trong chính quyền này.
Sau ngày 1/11/1963, tức ngày lật đổ chính quyền họ Ngô và sự sát hại dã man hai anh em ông Ngô Đình Diệm, xã hội miền Nam rơi vào một trạng thái rối loạn về nhiều mặt. Những kẻ cầm súng chống lại người lãnh đạo cũ của họ dễ dàng hả hê với thói kiêu binh đã đành, mà tâm trạng này còn lan sang cả những bậc tu hành vốn chỉ lấy sự tu niệm làm lẽ sống của mình.
Quần chúng sau những biến động xã hội ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống yên lành của họ đã dễ dàng để óc tò mò bị lôi cuốn, mê hoặc bởi những cây bút thiếu lương tâm, lấy việc khai thác những mặt có thật và không có thật của gia đình họ Ngô để câu độc giả. Có người viết hàng loạt feuilleton (bài viết đăng từng kỳ trên báo) kể xấu gia đình bà Trần Lệ Xuân, kể cả việc miêu tả một cách dung tục, trần trụi về mối quan hệ giữa bà Trần Văn Chương và một luật sư người nước ngoài.
Khi hai nhân vật chính của nền đệ nhất Cộng hòa là ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu không còn nữa, người còn lại là bà Trần Lệ Xuân dễ dàng trở thành tâm điểm của mọi hình thức khai thác với nhiều toan tính và mục đích khác nhau.
Trong cuốn sách, bà Trần Lệ Xuân được gọi là “Đệ nhất phu nhân”. Đó là một người đàn bà đẹp, cũng là một nhà cố vấn chính trị. Vậy thực hư giữa tác phẩm và ngoài đời thực ra sao, thưa ông?
-Tôi không biết tờ New York Times, mà tác giả Demery đã viện dẫn ở trang đầu tác phẩm đã dựa vào những cứ liệu nào để “gọi vị Đệ nhất Phu nhân miền Nam 39 tuổi này là người đàn bà “quyền lực nhất” châu Á …”.
Với tôi, một công dân bình thường có chút học thức và một trí nhớ còn khá minh mẫn, từng sống dưới chế độ của chính quyền Ngô Đình Diệm, tôi cho rằng sự tôn xưng bà Trần Lệ Xuân là “người đàn bà quyền lực nhất châu Á” là một ngoa ngôn xảo ngữ không nhằm vào mục đích lành mạnh của sự tôn trọng tính khách quan và trung thực của lịch sử.
Người ta cố nhấn mạnh vào vai trò của bà Trần Lệ Xuân khiến hình ảnh ông Ngô Đình Diệm thật hài hước, như một hình tượng bù nhìn dưới sự thao túng, khuynh loát của một người đàn bà! Thêm vào đó, bên cạnh ông Ngô Đình Diệm, còn có bào đệ ông, ông Ngô Đình Nhu, một con người thâm trầm, nhiều mưu lược.
Dựa vào mấy ý nghĩ trên, tôi không tin vào những “quyền lực” mà người ta đã cố tình khoác cho bà Trần Lệ Xuân, càng không tin vào rất nhiều nguồn tư liệu cố thổi phồng những hành tung của bà trong 9 năm dưới chính quyền Ngô Đình Diệm.
Là người đã trải qua 9 năm sống dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, ông có thể chia sẻ những trải nghiệm của ông về bà Trần Lệ Xuân?
-Trong cuộc đời chính trị của bà, có hai điều đáng nhớ. Một là với tư cách dân biểu Quốc Hội, bà đã cổ xúy, thúc đẩy cơ quan lập pháp soạn thảo, thông qua bộ Luật Hôn nhân - Gia đình trên nền tảng căn bản “một Vợ một chồng”, một nền tảng mà bất cứ một bộ luật hôn nhân-gia đình tiến bộ nào cũng dựa vào; hai là bà thành lập Hội Phụ nữ Liên đới, một tổ chức xã hội kết hợp người phụ nữ vào một khối thống nhất để dễ thực hiện các chính sách do chính quyền vạch ra dành cho họ.
Cuộc đời chính trị của bà Trần Lệ Xuân về mặt nổi hầu như chỉ có thế. Song như chúng ta đã thấy, ở các nước dân chủ phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp..., vai trò của vị Đệ nhất phu nhân rất mờ nhạt, hầu như họ chẳng có một ảnh hưởng nào đối với chính sách của các ông chồng tổng thống hay thủ tướng.
Có lẽ vì thế mà ở một nước phương Đông như Việt Nam, một “đệ nhất phu nhân” lại chỉ là em dâu của tổng thống, tham gia khá tích cực vào đời sống chính trị của đất nước, đã tạo ra nhiều ấn tượng không tốt trong đầu óc của hầu hết người dân Việt Nam vừa bước ra khỏi một xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.
Khi cuộc đấu tranh của các tu sĩ Phật giáo và Phật tử nổ ra vào năm 1963, lời phát biểu thiếu kìm chế và hết sức thô thiển của bà Trần Lệ Xuân trước cái chết do tự thiêu của một vị hòa thượng đã đẩy bà vào thế đối nghịch chẳng những của giới Phật giáo, mà của hầu hết người dân trong nước (nghe đâu trong những năm cuối đời, bà đã công khai bày tỏ sự ân hận và tạ lỗi với một vài vị chức sắc Phật giáo).
Song bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi thiếu suy nghĩ của một phụ nữ làm chính trị với việc quy chụp cho bà những hành vi mà bà không thực sự thể hiện và chịu trách nhiệm là hai việc làm hoàn toàn khác nhau. Vậy mà trên thực tế, không ít người đã gộp chung hai việc làm này làm một và không ít nhân vật lịch sử đã có hình ảnh méo mó theo cảm xúc của người viết.
Tái tạo một nhân vật có thật từ lịch sử, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý?
-Tôi thấy để tái tạo một nhân vật lịch sử, điều quan trọng hơn cả là hãy để lịch sử nói lên tiếng nói trung thực của nó, đừng gò ép nó theo một khuôn mẫu nào, dù vị lợi hay vô vị lợi. Trường hợp của bà Trần Lệ Xuân là một ví dụ của sự cưỡng ép sự thật theo những định kiến được nhào nặn sẵn, không có lợi cho lịch sử, cho những thế hệ mai sau cần hiểu một cách trung thực về những gì đã diễn ra trong cuộc sống của cha ông họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Lê Nguyễn. Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn tên thật Lê Văn Cẩn sinh ra và gắn bó cả đời mình ở Sài Gòn. Ông là tác giả của các tác phẩm: Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn (NXB Trẻ 1998, tái bản 2006), Xã hội Đại Việt theo bút ký của người nước ngoài (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh 2005), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc (NXB Văn hoá thông tin 2005), Nhà Nguyễn và các vấn đề lịch sử (NXB Công An Nhân dân 2010). Gần đây, ông cộng tác với tổ hợp giáo dục PACE, biên soạn quyển Akio Morita và Sony (NXB Trẻ 2007) và dịch tác phẩm Vận hành toàn cầu hoá của nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (NXB Trẻ 2008). |