Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Ngôi làng câm”- nơi mọi người dùng ngôn ngữ ký hiệu

3000 cư dân sinh sống trong ngôi làng Bengkala xa xôi của người Bali ở Indonesia đều giao tiếp tốt bằng kata kolok – thứ ngôn ngữ ký hiệu ra đời cách đây hàng thế kỷ.

 

Một loại gen lặn có tên DFNB3 tồn tại ở Bengkala từ nhiều thế kỷ đã khiến cho tỷ lệ người câm điếc tại Bengkala cao gấp 15 lần so với mặt bằng chung của thế giới. Nhiều cặp vợ chồng có khả năng nghe nói bình thường nhưng lại sinh ra những đứa trẻ câm điếc. Ngược lại nhiều bậc phụ huynh bẩm sinh mất năng lực nghe nói song vẫn cho ra đời các thế hệ con cháu không hề câm điếc.

 

Dân làng qua hàng trăm năm đã hình thành và phát triển một thứ ngôn ngữ riêng biệt để họ có thể giao tiếp thuận tiện, hòa đồng với nhau. Ở “ngôi làng câm” những người có tật câm điếc luôn được tôn trọng.

Thậm chí một bộ phận dân làng Bengkala còn coi việc câm điếc không phải là một dị tật mà là một món quà từ ngài Dewa Kolok – vị thần điếc trong quan niệm của người Bali. Ngày nay 42 kolok (người câm điếc) ở Bengkala thành lập một cộng đồng đứng đầu bởi ông Nyoman Santiya.

Những người câm điếc còn được tin cậy tuyển vào đội bảo vệ làng. Theo một cán bộ hành chính của làng, những chàng bảo vệ kolok làm việc hiệu quả và có trách nhiệm hơn người bình thường – “Khi chúng tôi bảo họ phải có mặt lúc 7 giờ sáng, họ luôn đến sớm hơn. Họ cũng nhớ rất rõ về lịch sử của làng”.

Trẻ em trong làng từ bé đã được cha mẹ dạy cho kata kolok như một ngôn ngữ thứ hai để thứ ngôn ngữ truyền thống này sẽ không mai một.

 

Dân làng Bengkala luôn tự hào vì ngôn ngữ kata kolok của họ.

Ở Bengkala, học sinh câm điếc và học sinh bình thường học chung một lớp. Giáo viên sử dụng cả ngôn ngữ nói lẫn kata kolok. Thế hệ người câm điếc trẻ trong làng ngày nay còn được tiếp cận những hình thức giao tiếp mới như điện thoại thông minh, truyền thông xã hội và ngôn ngữ ký hiệu quốc tế.

Để giúp những người câm có thêm thu nhập, có cuộc sống tốt đẹp hơn và hòa nhập với cộng đồng, chính quyền Bengkala đã tạo điều kiện cho các nhà xã hội học, du khách quốc tế, và cả những du khách câm điếc đến tìm hiểu cuộc sống sống động của những người suốt đời lặng lẽ.

Janger kolok (điệu nhảy của những người câm) là nét văn hóa có sức hút mạnh mẽ ở làng Bengkala. Suốt 30 năm qua, 16 vũ công câm điếc đã duy trì thói quen mỗi tháng 3 lần lên sân khấu lớn biểu diễn. Điểm độc đáo của Janger kolok là các vũ công dù không nghe, không nói được nhưng bằng những ký hiệu đặc biệt họ vẫn có thể nhảy múa đều tăm tắp và rất đẹp mắt.