Hãy tưởng tượng việc sống trên một vách đá dựng đứng ở độ cao 1700m, và con đường duy nhất giao tiếp với thế giới bên ngoài là đường mòn, với 720 bậc đá. Ngôi làng nhỏ nằm sâu trong dãy núi Đại Hàng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, là nơi ở của một nhóm nhỏ những người làm nghề nông trong suốt hơn 6 thế kỷ qua.
Vị trí địa lý khó khăn khiến cuộc sống càng chật vật hơn. Để cải thiện điều kiện sống, vào cuối những năm 1960, dân làng cử ra 13 thanh niên trai tráng đào đường hầm thông qua các vách đá bên dưới ngôi làng. Dưới sự chỉ đạo của ông Shen Mingxin – người đứng đầu làng thời điểm đó, đội thanh niên bán dê và các loại thảo mộc để mua búa cùng nhiều dụng cụ đào hầm vượt núi.
Cả đội 13 người mất hơn 5 năm ròng rã mới hoàn thành xong đoạn đường hầm dài 1,25 km, cao chừng 5m, rộng 4m. Đường hầm thông thương giữa làng và thế giới bên ngoài, giúp cuộc sống người dân đỡ chật vật hơn. Con đường này chính thức mở cửa từ năm 1972.
Đường hầm trở thành kênh giao thông quan trọng và là con đường độc nhất dẫn tới làng. Người ta còn tạo nên 35 “ô cửa sổ” dọc lối đi để thoáng khí. Đây cũng là nơi du khách thường dừng lại thăm thú, thưởng ngoạn vẻ đẹp bên ngoài.
Từ một nơi xa xôi hẻo lánh, làng Guo Liang trở nên nổi tiếng hơn với sức nóng du lịch. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, từng dòng xe nối đuôi nhau trên mép vực chênh vênh, một bên là núi đá một bên là vực sâu, để tiến về làng. Kể từ khi thông đường, Guo Liang bắt đầu đón khách từ năm 1972. Trong làng hiện vẫn còn 13 bức tượng tạc hình ảnh 13 người thanh niên có công đào núi làm hầm.
Dù vị trí địa lý hiểm trở, nhưng ngôi làng nhỏ vẫn hút khách nhờ cảnh sắc ngoạn mục và sở hữu những ngôi nhà bằng đá đặc biệt. Hiện làng Guo Liang là một trong số những cộng đồng dân cư sống tách biệt nhất ở Trung Quốc. Theo số liệu báo cáo, ngôi làng hiện có 83 hộ, với 329 nhân khẩu.