Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/4/2020, Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu và thiết thực trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương và góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Các nạn nhân bị bạo lực giới tiếp cận và sử dụng dịch vụ dễ dàng hơn tại 1 điểm - 1 đầu mối. Gói dịch vụ hỗ trợ được cung cấp kịp thời, có chất lượng, hỗ trợ giải quyết tối đa nhu cầu của nạn nhân.
Theo thống kê của Trung tâm CTXH Quảng Ninh, từ tháng 4/2020 – tháng 9/2021, Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận 11.592 cuộc gọi qua đường dây nóng 18001769, tư vấn, cung cấp thông tin và kết nối trợ giúp cho gần 300 trường hợp liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp nhận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương là 21 người trong đó có 13 người bị bạo lực giới tạm lánh an toàn tại Ngôi nhà Ánh Dương. (Quảng Ninh 10 nạn nhân, Hải Phòng 03 nạn nhân). Thời gian tạm lánh trung bình khoảng 5 – 7 ngày, trường hợp dài nhất là 22 ngày. Các nạn nhân tạm lánh được chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn pháp lý, tham vấn tâm lý, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó với tình huống bị bạo lực và tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ tự chủ tài chính… Đặc biệt, không chỉ nạn nhân mà người gây bạo lực cũng được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy cắt đứt vòng tròn bạo lực, qua đó giúp nạn nhân giải quyết được vấn đề của mình.
Đồng thời, thông qua hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Hàn Quốc, các buổi đào tạo trực tiếp, trực tuyến; năng lực đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh (bao gồm nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế, công an, tư pháp, phụ nữ, các ban ngành, địa phương liên quan…), đặc biệt là đội ngũ cán bộ tại Ngôi nhà Ánh Dương không ngừng được nâng cao. Từ đó, các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp kịp thời, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực khi tiếp cận dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng dân cư về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cũng có những chuyển biến tích cực.
Theo Báo cáo đánh giá khảo sát cuối kỳ của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), số lượng người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận thông tin về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và dịch vụ trợ giúp nhiều hơn với đa dạng các hình thức (pano, tờ rơi, SMS, website, mạng xã hội Facebook, clip, phóng sự, tọa đàm, truyền thông trực tiếp…), qua đó góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện, lên án, tố giác, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ.
Nhờ các kết quả tích cực trên, ngày 24/10/2022, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tiếp tục quản lý, duy trì và triển khai các hoạt động của mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đã được đầu tư từ nguồn kinh phí của Dự án Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Trong thời gian tới, Ngôi nhà Ánh Dương của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì trực 24/24h tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 để tiếp nhận thông tin, tư vấn, trợ giúp cho các đối tượng có nhu cầu. Thực hiện hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại mô hình; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan (Y tế, Tư pháp, Công an, Phụ nữ,...), các địa phương và thành viên Hội đồng tư vấn để trợ giúp, hỗ trợ có hiệu quả cho nạn nhân.
Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương; truyền thông giới thiệu về Ngôi nhà Ánh Dương, duy trì hoạt động Fanpage, phối hợp với đơn vị/cá nhân thực hiện quảng bá và truyền thông các dịch vụ về Ngôi nhà Ánh Dương và vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới...