Những năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Dương Kim Hảo, quê ở Tiền Giang, học sinh lớp 6/8 trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP HCM đã trở nên quen thuộc với các cuộc thi sáng tạo về Tin học dành cho giới trẻ trên cả nước. Không chỉ khiến nhiều người thán phục vì sở hữu một bộ sưu tập khá “đồ sộ” các giải thưởng về Tin học trong và ngoài nước khi mới 14 tuổi, mà ở Hảo luôn hừng hực ngọn lửa niềm đam mê học tập và nghiên cứu.
“Thấy người thân và mọi người xung quanh gặp khó khăn, em suy nghĩ xem có giải pháp nào khả thi để giải quyết hay không rồi bắt tay vào nghiên cứu và làm sản phẩm của mình. Sản phẩm mới của em là hệ thống theo dõi điện năng tiêu thụ trong gia đình, xuất phát từ việc tiền điện trong nhà tăng lên mà không biết vì sao” - Nguyễn Dương Kim Hảo cho biết.
Nguyễn Dương Kim Hảo (học sinh lớp 6/8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP HCM) chia sẻ phương pháp học tập , đam mê của mình - (Ảnh: ThanhdoanCantho)
Đúng như tâm sự của Hảo, từ năm lớp 3, thấy ba mình, là giáo viên dạy Toán ngồi mò mẫm tính toán cộng điểm cho học sinh vào cuối kỳ, Hảo đã suy nghĩ và muốn tìm cách giúp ba làm việc dễ dàng hơn. Lúc đó, chưa hiểu thế nào là lập trình điện tử, em đã lên mạng và mày mò tự học. Rồi phần mềm chấm điểm do Hảo sáng chế đã giúp cho ba tính toán nhanh chóng, dễ dàng hơn. Sau đó, lần lượt là bảng điều khiển thông minh, giúp mẹ Hảo tắt - mở điện từ xa thông qua điện thoại di động, rồi chiếc máy tính hóa học giúp người chị họ của Kim Hảo dễ dàng tìm kiếm các phương trình hóa học…
Từ nhiều sáng chế “không giống ai”, năm 2012 Hảo được đại diện cho tỉnh Tiền Giang dự thi “Tin học trẻ toàn quốc” do Thành Đoàn TP HCM tổ chức và đạt được giải cao. Cũng từ đó, Hảo cùng với mẹ khăn gói từ quê Tiền Giang lên trọ học tại TP HCM để Hảo được dễ dàng theo đuổi niềm đam mê sáng tạo của mình.
Chị Dương Trần Thanh Thảo, mẹ của Nguyễn Dương Kim Hảo phụ bán hàng với chị gái và dành nhiều thời gian chăm lo cho Hảo học tập và nghiên cứu. Nhiều khi thấy Hảo quá say mê học bài ở trường, rồi lại vùi đầu vào mày mò với từng mạch điện, con chíp, chị thương con nên cùng thức với con.
Chị Thảo kể: “Tôi thấy Hảo cứ say mê làm sản phẩm đầu tiên của mình, quên ăn quên ngủ luôn, thức đêm 1-2 giờ sáng. Cũng có kêu con đi ăn nhưng mà không chịu ngưng lại để ăn, đến lúc đói quá sắp lả mới nhớ ra và đi ăn”.
Tính đến nay, Kim Hảo đã “ẵm” trên tay hơn 20 giải thưởng sáng chế Tin học từ các cuộc thi trong nước và quốc tế. Trong đó phải kể tới Huy chương vàng cuộc thi Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 9, cuộc thi dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu Á tại Malaysia; Giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc, hay giải Nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc và cuộc thi “Sáng tạo trẻ” dành cho thanh thiếu nhi khu vực TP HCM…
Mặc dù được gọi là “thần đồng” tin học, “cậu bé vàng tin học”, nhưng ở trường, Hảo vẫn chú tâm học và trong 8 năm liền, Hảo đều là học sinh giỏi toàn diện. Thầy Nguyễn Đức Anh Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều cho biết, Hảo sẽ là người truyền lửa cho câu lạc bộ khoa học trong tương lai gần của nhà trường. Khi Kim Hảo có những giải thưởng, những sáng chế mới thì trường có những buổi nói chuyện dưới sân, cho bé giới thiệu sản phẩm đến với các bạn. Sắp tới trường định hướng thành lập Câu lạc bộ khoa học, lúc đó bé ra trường rồi nhưng mà sẽ quay về hỗ trợ trường.
Không chỉ đoạt các giải thưởng về sáng tạo, mà một số sáng chế của Nguyễn Dương Kim Hảo đã được nhiều người quan tâm và đặt hàng, tiêu biểu là “Laser Bot” - máy khắc ảnh lên gỗ bằng tia laser, sản phẩm đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Thử thách sáng tạo trẻ 2014" nhờ được làm thủ công và tận dụng đồ phế liệu. Tuy nhiên, nay đang là năm cuối cấp nên Hảo vẫn đặt trọng tâm vào việc học. Những sáng tạo của mình, Hảo sẽ phát triển và mở rộng trong tương lai.
Hiện Hảo đang nghiên cứu cải tiến sản phẩm mới nhất là Energy Mesh - Hệ thống theo dõi điện năng tiêu thụ các thiết bị điện để tham dự cuộc thi Young Markers Challenge do Công ty Intel Việt Nam và Thành Đoàn TP HCM tổ chức.
Kim Hảo chia sẻ: “Niềm đam mê chính là động lực vô hình giúp cho em vượt qua nhiều khó khăn. Bởi vì làm điện tử thì gặp rất nhiều khó khăn, hễ bị lỗi 1 cọng dây thôi nhưng phải nắm lại mạch từ đầu. Bí quyết để học tốt nữa là em vừa học vừa làm. Các sản phẩm làm ra để giúp ích cho mọi người và giúp em học hỏi thêm những điều mới”.
Với một “thần đồng” tin học như Nguyễn Dương Kim Hảo, mỗi khó khăn lại là một cơ hội để sáng tạo. Và giờ đây, Hảo vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để khẳng định hướng đi và niềm đam mê với khoa học.