Cây thốt nốt đang cho trái.
Người Khmer An Giang coi cây Thốt nốt là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ nên ai nấy đều ra sức giữ gìn như một vật thiêng.
Vùng Bảy Núi (An Giang) hiện có khoảng 60.000 cây, được trồng nhiều ở các xã Núi Tô, Ô Lâm, An Tức (Tri Tôn), An Cư, An Hảo, Văn Giáo (Tịnh Biên). Vài năm qua, cây thốt nốt giúp cho nhiều gia đình đã thoát nghèo, khá lên và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động bằng cách khai thác và chế biến đường thốt nốt.
Thốt nốt là một loại cây không nhánh, giống cây dừa nhưng thân cao to hơn, lá xòe tán tròn như lá cọ. Thốt nốt trổ quả thành quày, trái to như trái dừa xiêm, bên trong có nhân (cơm) màu trắng trong như cơm dừa nước, có ít nước ngọt và mát.
Trái thốt nốt mới thu hoạch xong.
Vào những ngày này, du khách hành hương về An Giang, khi đi qua các tuyến đường Núi Sam lên Tịnh Biên về Tri Tôn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản núi rừng Bảy Núi như nước thốt nốt tươi và nhiều sản phẩm được chế biến từ cây thốt nốt.
Cây thốt nốt trổ bông vào mùa nắng (từ tháng giêng đến tháng sáu âm lịch). Chạng vạng, người ta leo lên thân tre cột sát thân thốt nốt lên tới ngọn, lấy những ống tre đã hong khói diệt khuẩn đeo sau lưng đặt vào vòi bông vừa mới cắt một khúc để lấy dịch.
Từ ngọn cây này chuyền sang ngọn cây khác, họ đặt hết những ống tre ấy rồi nhanh nhẹn leo xuống đất. Rạng sáng hôm sau, họ lại leo lên lấy những ống tre hứng đầy dịch thốt nốt đem về nhà...Chỉ riêng dịch thốt nốt người Khmer An Giang chế biến nhiều đặc sản.
Hằng ngày, trên những con đường núi xanh tươi buổi sớm mai, với chiếc đòn gánh trên vai, hai đầu là hai chùm ống đựng đầy nước thốt nốt, các cô gái rong ruổi đi bán khắp nơi.
Chỉ cần vài ngàn đồng là bạn đã được thưởng thức thứ nước ngọt ngào với mùi vị đặc trưng hấp dẫn của thốt nốt. Thứ nước uống nhiều khoái cảm này hiện nay còn được bày bán dài theo các con đường dẫn vào nội ô thị trấn Tri Tôn, khu du lịch Lâm viên Núi Cấm (An Hảo, huyện Tịnh Biên). Thứ nước giải khát tuyệt hảo, thơm mát và ngọt thanh này có hương vị đặc trưng riêng của miền Tây mà không nơi nào có được.
Người Khmer An Hảo (Tịnh Biên) trưng thốt nốt để bán.
Còn dịch thốt nốt lấy vào buổi chiều thường dùng để nấu đường. Trung bình cứ 10 kg nước thốt nốt nấu được 1,3 – 1,5 kg đường om hay đường xắt. Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh, được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Vị ngọt thanh, thơm ngon của đường thốt nốt không chỉ nấu chè làm bánh rất ngon mà còn có tác dụng làm mát cơ thể, chữa viêm họng.
Đó là lý do vì sao khách du lịch thường chọn mua đường thốt nốt về làm quà cho người thân và bạn bè. Tại Tri Tôn và Tịnh Biên rất nhiều lò đường được chế biến theo kiểu truyền thống dân gian, mùi “ngọt” bốc lên vừa nồng vừa thơm, một thứ mùi đặc trưng của thốt nốt rất dễ cảm nhận.
Cơm trái thốt nốt (thạch thốt nốt).
Cơm trái thốt nốt (thạch thốt nốt) cũng là sản phẩm được nhiều người ưa thích. Cơm thốt nốt màu trắng ngà, mềm, dai, giòn giòn, ngòn ngọt như dừa xiêm nhưng thơm ngon hơn, khá khoái khẩu khi cho thêm chút đường và ít nước đá bào là sẽ có ly nước giải khát tuyệt hảo trong những lúc nắng nôi oi ả của mùa hè, thoảng hương vị đặc trưng của thốt nốt, dù không thơm ngon bằng nước thốt nốt tự nhiên.
Có mặt tại các điểm du lịch ở An Giang, chúng tôi chứng kiến các vựa thốt nốt tràn ngập qủa tươi và các sản phẩm chế biến từ thốt nốt. Ngoài thốt nốt tươi, cùi sấy, nước giải khát…thì đường thốt nốt cũng được tiêu thụ mạnh. Hiện tại, giá mỗi ly thốt nốt tươi từ 6.000 – 8.000đ và giá cơm thốt lốt là 25.000đ/kg.
Chị Châu Sa Ry An Hảo (Tịnh Biên) đang nấu đường từ dịch thốt nốt.
Anh Châu Lương ở gần khu du lịch Núi Cấm (An Hảo – Tịnh Biên) nói: “Tui trồng 100 cây thốt nốt, loại cây này trồng 18 – 20 năm mới cho trái, cho trái quanh năm, nhưng tập trung nhiều mùa hè, mỗi ngày hái từ 200 – 250 quả thốt nốt và hứng được trên 100 lít nước đem về làm đường. Cứ 6 lít nước sẽ cho ra 1kg đường thành phẩm với giá 25.000đ/kg, thu nhập cao mà khoẻ re.
Đường thốt nốt đặc sản An Giang.
Với kinh nghiệm thu hoạch thốt nốt nhiều năm, chỉ cần nhìn vỏ trái, có thể đoán được độ chín bên trong, biết ruột quả cơm mềm ngọt hay mới chín. Sau khi phân phối đến các điểm bán lẻ mới lột sạch lớp vỏ nâu bên ngoài rồi bán cho du khách”. Với trái thốt nốt, cuộc sống của cư dân vùng biên địa Bảy Núi ngày nay đã khá hơn rất nhiều.