Mùa đánh bắt sứa biển thường kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng cuối tháng 3 âm lịch hằng năm. Trước đây, các ngư dân chủ yếu đánh bắt sứa ở khu vực biển ven bờ và chuyến đi biển cũng chỉ diễn ra trong ngày. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngư trường khai thác sứa của ngư dân Thanh Hóa được mở rộng ra khu vực biển Quảng Ninh, Hải Phòng, nên bà con thường đi biển dài ngày.
Ngư dân xã Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chuẩn bị đi săn 'vàng trắng'
Ngư dân Thanh Hóa ra biển đánh bắt sứa trên những chiếc bè mảng được kết bằng luồng và xốp, rộng 2,5 - 3 m, dài 9 - 10 m, chạy máy công suất từ 30 - 120 CV. Mỗi bè đi đánh sứa thường có 3 người. Bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được khoảng 300 - 800 con sứa, cá biệt lên tới 1.200 con. Sứa tươi hiện bán với giá khoảng 10.000 đồng/con nên bình quân mỗi ngày một bè mảng cũng có thể thu về từ 3 - 9 triệu đồng.
Theo anh Lê Văn Hoàng (32 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hoằng Trường, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), vùng biển gần đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) được xem là "mỏ vàng trắng" của ngư dân. Sứa biển đánh bắt được các thương lái ở trên các đảo trong vịnh Bắc bộ ra thu mua.
Anh Lê Xuân Hạnh (42 tuổi, ngụ cùng thôn) cho biết vụ sứa năm ngoái, anh thu về 230 triệu đồng, trừ chi phí dầu, thực phẩm, thì lãi khoảng 170 triệu đồng. “Số tiền này tôi dùng để sửa chữa nhà cửa khang trang. Vụ sứa năm nay bố con tôi phấn đấu kiếm tiền để mua sắm vật dụng, phương tiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày”, anh Hạnh nói.
Ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết hiện xã có hơn 600 bè mảng đi đánh bắt sứa, trong đó hơn 400 bè khai thác ở Quảng Ninh, Hải Phòng, còn lại đánh bắt gần bờ. Trung bình mỗi vụ sứa một bè thu được khoảng 150 - 200 triệu đồng. Năm 2016, toàn xã thu hơn 70 tỉ đồng từ việc đánh bắt sứa.
“Mấy năm gần đây, cũng nhờ có con sứa mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có của ăn, của để, xây nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Nghề khai thác sứa đang trở thành nghề chính của ngư dân địa phương”, ông Thảo nói.