Trong các tài liệu, năm 1885, một nhóm lính Pháp đã phát hiện ra khu tháp Chăm bị bao phủ bởi rừng cây. Từ 1895-1899, M.C Paris đã cho phát quang khu tháp và cùng với nhiều nhà khoa học như L.Finot, L.De Lajonquière, H.Parmentier đã bắt đầu thực hiện những nghiên cứu cơ bản về bi ký và kiến trúc. Dựa trên vị trí phân bố nhóm tháp để đặt tên theo mẫu tự La tinh gồm nhóm A, A’, nhóm B, C, D, nhóm E, F, nhóm G, nhóm H, và nhiều nhóm nhỏ khác. Mỹ Sơn là khu đền thờ Ấn Độ giáo quan trọng nhất của vương quốc Chămpa.
Năm 2016, nhóm chuyên gia Ấn Độ đã thực hiện khảo sát thực trạng, xem xét, trên cơ sở tính toán lập dự án bảo tồn trong năm 2017. Nhóm gồm: ông Basudev Kumar- kỹ sư kiến trúc sư, cùng với ông Danve. D.S- nhà bảo tàng học, ông P. Prashant- nhà khảo sá và ông Vikram Chauchan- nhiếp ảnh gia. Trong thời gian 2 tháng này, các chuyên gia đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ, khảo sát quanh tháp K với diện tích khoảng 250m2.
Chuyên gia Ấn Độ làm việc tại Mỹ Sơn. Ảnh:H.T
Trong khu vực nhóm K, khu đang khảo sát, có lối kiến trúc đơn giản, gồm ngôi đền chính có kích thước nhỏ, tường tháp không chạm trổ hoa văn, được xây dựng cùng thời với đền tháp E4 vào thế kỷ 11. Khu đền tháp này đến nay xuống cấp trầm trọng, tường tháp đổ, phần đầu tháp đã hư hỏng. Ông Basudev Kumar chia sẻ: “Với tình trạng hiện tại, chúng tôi phải khảo sát xem bờ móng khu vực quanh tháp, các khu vực hư hỏng nặng sẽ phải gia cố và chống đỡ để tăng khả năng chịu lực, chúng tôi sẽ đưa ra những phương pháp tốt nhất”. Hiện tại đã có một nhóm thợ tiến hành phát quang, đo đạc các vị trí quanh tháp K.
“Với phương pháp trùng tu, trường phái trùng tu của Ấn Độ, quan điểm vẫn là giữ nguyên thực trạng và bảo vệ những cái cũ còn lại. Đây được xem là cách trùng tu chính thống của Ấn Độ, bởi nét văn hóa Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng với khu đền tháp Mỹ Sơn, kể cả về chất liệu xây dựng cũng bằng gạch, đá”-Ông Danve. D.S chia sẻ.
Xét riêng về chất liệu xây dựng tháp, các đền tháp Chămpa chủ yếu được xây dựng bằng gạch, tường tháp rất dày từ 80-160cm, chân tháp được gia cố một lớp cát thô, đá dăm và đá ong. Các chất kết dính trong xây dựng tháp Chăm vẫn chưa xác định, trước đây, các nhà nghiên cứu Ba Lan đã phân tích tuy nhiên vẫn chưa tìm thấy dấu vết hữu cơ trong lớp hồ xây tháp. Đến nay, một số nhà khoa học đã tìm ra những vật liệu tương đương với thời kỳ xây dựng tháp Chămpa
Với khoảng 70 công trình xây dựng từ thế kỷ VII- XIII, khi những cuộc chiến tranh tàn phá, ném bom dữ dội, đến sau 1975 chỉ còn khoảng 20 tháp còn giữ được nhưng không cái nào còn nguyên vẹn, các đền tháp ở Mỹ Sơn được bố trí theo một tổng thể, đền thờ chính, thông thường có một cửa quay ra hướng Đông, tháp cổng ngay phía trước đền thờ chính với cửa mở hướng Đông và Tây, tiếp đến là ngôi nhà dài và ngôi tháp nơi cất giữ các đồ tế lễ, nhận lễ vật, hành hương.