Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Người anh hùng của quê hương Phú Xuyên

“Chúng mày có thể chôn sống được tao, nhưng không thể chôn sống được lòng căm thù lũ cướp nước của dân tộc tao, không thể chôn sống được Đảng của tao...”. Đã 65 năm trôi qua, nhưng lời tố cáo đanh thép bọn thực dân Pháp xâm lược của ông Trương Văn Kỳ trước lúc hy sinh vẫn còn vang vọng mãi trong tâm trí những cựu chiến binh, những cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Cổ Trai (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)...

 

Viếng ông Trương Văn Kỳ tại nghĩa trang.  

Sinh năm 1928 ở thôn Cổ Trai – làng quê có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, ông Trương Văn Kỳ đã chứng kiến quê hương phải sống trong cảnh “một cổ 2 tròng” của thực dân Pháp và tay sai. Tháng 9/1946, vừa tròn 18 tuổi, ông Kỳ gia nhập bộ đội địa phương và được huấn luyện bổ sung vào đơn vị đặc nhiệm, đóng quân tại Huyện đội Phú Xuyên.

Từ năm 1948, huyện Phú Xuyên xuất hiện một số phần tử thuộc đảng phái phản động, chống phá cách mạng, như tổ chức “Việt Nam quốc dân Đảng”, “Ái quốc biệt lập đoàn”, “Đảng dân chúng liên hiệp quốc gia Việt Nam”... Hoạt động của chúng xâm nhập vào các lĩnh vực: Quân sự, chính trị, kinh tế, do thám,... nhằm chia rẽ nội bộ, phá hoại phong trào kháng chiến của các địa phương. Chúng tập hợp các địa chủ, cường hào, bọn phản động đội lốt tôn giáo, các phần tử bất mãn để làm chỉ điểm, gián điệp, theo dõi tình hình chiến sự của các xã trong huyện Phú Xuyên. Trước tình hình đó, ông Kỳ được Huyện đội điều về gây dựng phong trào cách mạng, phát triển du kích cho xã Đại Xuyên với chức danh Xã đội trưởng. Cựu chiến binh Trương Văn Ha, 50 năm tuổi Đảng, kể lại: “Thời gian đó, tôi và một số thiếu niên được ông Kỳ giác ngộ, thành lập Đội Thiếu niên cứu quốc. Khi phát hiện ra người lạ có biểu hiện nghi vấn, chúng tôi báo cáo lại ngay với ông Kỳ”.

Ông Trương Văn Ân là người thờ cúng ông Trương Văn Kỳ. 

Đầu năm 1950, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh đến Phú Xuyên. Cùng năm đó, chúng san phẳng một nửa làng Mỹ Lâm (thị trấn Phú Xuyên ngày nay) để xây dựng bốt Lịm, huênh hoang gọi đây là “mắt thần”, theo dõi các hoạt động của quân và dân Phú Xuyên. Ngày 15/5/1950, tại chùa Thái Lai – xã Đại Xuyên, Chi ủy Đại Xuyên cùng Xã đội Đại Xuyên vạch ra các biện pháp đánh giặc bảo vệ xóm làng. Xã đội trưởng Trương Văn Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, đã tập hợp các thành viên trong Ủy ban Kháng chiến xã, các đoàn thể quần chúng, trung đội du kích đến các tầng lớp nhân dân. Tất cả đều hừng hực khí thế chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu.

Ngày 20/5, giặc Pháp tăng cường lực lượng tiến đánh một số xã ở Phú Xuyên, sang tháng 6 chúng chiếm đóng được bốt Cầu Giẽ, đến giữa tháng thì càn quét Đại Xuyên. Hùng hổ tiến vào xã là một trung đoàn lính Âu Phi với vũ khí hiện đại. Chúng chia làm 3 cánh quân, trong đó 2 cánh quân, cánh 1 từ Cầu Giẽ đánh xuống, cánh 2 từ Hà Nam đánh lên, mục tiêu triệt phá cơ sở kháng chiến ở thôn Cổ Trai và Thường Xuyên. Do chuẩn bị chu đáo phòng bị từ trước, Xã đội trưởng Trương Văn Kỳ đã phân công du kích mai phục trong các giao thông hào ở Thường Xuyên, Thái Lai, Đa Chất- hệ thống giao thông hào liên hoàn để du kích gài mìn, bắn tỉa địch. Dù lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nhưng các đảng viên, cán bộ, du kích vẫn ngày đêm bám đất, bám dân, giành giật từng góc hào, bờ tre, khóm rạ, làm tiêu hao sinh lực địch. Sau mấy ngày càn quét mà không tìm được cơ sở cách mạng, địch phải rút quân. Trước đó, giặc điên cuồng càn quét, khủng bố xã Đại Xuyên, đốt phá 40 nóc nhà, phá 1 ngôi đình, 2 ngôi chùa, bắn chết 28 người, bắt 105 người, cướp nhiều trâu bò, lợn gà, lương thực. Dã man hơn, chúng hãm hiếp 70 phụ nữ, trong đó có cả người già và trẻ em, một em gái 14 tuổi bị chúng hãm hiếp cho đến chết.

Các cựu chiến binh và cán bộ xã Đại Xuyên tại nơi giặc Pháp chôn sống ông Kỳ khi xưa. 

Trước tình hình đó, Huyện ủy Phú Xuyên triệu tập hội nghị mở rộng, với chủ trương “nắm nhân dân, bám sát cơ sở, từng bước đấu tranh với địch, gây dựng cơ sở, đồng thời kiên quyết phá tề trừ gian”. Ngày 9/8/1950, ông Trương Văn Kỳ cùng một số đảng viên, du kích đang triển khai họp bàn chiến đấu bảo vệ xóm làng ở chùa Đa Chất – xã Đại Xuyên, bất ngờ bọn địch ập vào chùa. Thấy có động, ông Kỳ nhanh trí nhảy xuống ao bèo sau chùa. Bọn giặc lùng sục khắp nơi , sau gần 2 tiếng không thấy ông Kỳ thì chúng rút quân. Suốt thời gian đó ông Kỳ trầm mình dưới nước, chỉ hở mũi lên để thở, bên trên là đám bèo tây che phủ. Gần tối thấy tình hình yên ổn, ông Kỳ từ dưới ao bèo ngoi lên, nhưng bị chỉ điểm nên rơi vào tay giặc.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Uy (sinh năm 1928) nghẹn ngào kể: “Lúc bắt được ông Kỳ, lính Pháp đánh đập dã man rồi dẫn ông đưa về giam ở bốt Lịm”. Biết ông Kỳ là Xã đội trưởng Đại Xuyên, trước đó lại là Trung đội phó bộ đội tập trung ở huyện, kẻ địch từ dụ dỗ đến dùng mọi thủ đoạn hãm hại, nhưng ông kiên quyến không khai báo, bảo vệ cơ sở cách mạng là những hầm nuôi giấu cán bộ ở thôn Cổ Trai. Cùng là đồng đội của ông Kỳ, cựu chiến binh Trương Văn Giúp (sinh năm 1927) nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi lên kế hoạch giúp ông Kỳ vượt ngục, nhưng do có chỉ điểm nên cuộc vượt ngục không thành, giặc đã bắt lại được ông Kỳ và đập nát 2 chân ông, đánh trọng thương vào đầu”...

Biết không thể khuất phục được ông Kỳ, ngày 16/8/1950, giặc Pháp đưa ông Kỳ đi chôn sống ngay cạnh đường ở bốt Lịm. Với thủ đoạn hiểm độc, dã man, chúng chôn sống ông Kỳ cho mặt quay ra đường, giữa cái nắng “rám vỏ bưởi” của tháng 8. Cựu chiến binh Trương Văn Nhược (sinh năm 1933), 50 năm tuổi Đảng, lau nước mắt kể: “Hồi đó, chúng tôi trà trộn vào dân chúng, chứng kiến ông Kỳ dù đang bị chôn sống vẫn hiên ngang chửi mắng bọn giặc thậm tệ. Mỗi xẻng đất chúng hắt xuống lại gặp một ánh mắt căm thù từ người Xã đội trưởng kiên trung. Tôi nhớ nhất câu: “Chúng mày có thể chôn sống được tao, nhưng không thể chôn sống được lòng căm thù bọn cướp nước của dân tộc tao...”.

Trong đoàn người hôm đấy, không ai cầm được nước mắt”. Theo lời cựu chiến binh Nguyễn Văn Uy thì do ông Kỳ bị chôn sống ngay bên đường, lại cạnh bốt Lịm, nên việc cướp xác gặp khó khăn. Cấp trên cũng chỉ thị có thể đây là cái bẫy để giặc nhử bộ đội, du kích và bắt hàng loạt, vì thế đồng đội đã không thể tiến hành kế hoạch cướp xác ông Kỳ. Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại, Đảng bộ, nhân dân xã Đại Xuyên cùng gia đình mới trang trọng đưa thi hài của ông Kỳ về nghĩa trang.

Tham gia bốc mộ ông Kỳ, ông Trương Văn Hiểm xúc động kể lại: “Xương chân bị dập nát hết, chỉ còn lại một cái xích rất lớn, nặng hơn 10kg...”. Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đạt, tức đồng chí Đương, nguyên cán bộ Huyện đội Phú Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, cũng tham gia bốc mộ ông Kỳ ngày đó, xúc động viết lên những vần thơ đầy khí phách về người đồng đội gần gũi nhất của mình: “Bốc mộ cho Anh thấy mà đau/ Chân tay dập nát vẫn cao đầu/ Xích khóa chân tay, hòng trói buộc/Trời đất, cỏ cây cũng hận sầu...”. Những con chữ đã bạc màu thời gian trên nền giấy ố vàng, nhưng đồng đội của ông Kỳ vẫn lưu giữ suốt hơn 60 năm qua. Hiện nay ông Trương Văn Ẩn, em trai ông Kỳ, là người đang hưởng chế độ thờ cúng anh trai, vẫn lưu giữ lại cái xích chân ấy như một kỷ vật đẫm máu, còn cái xích tay, một đồng đội của ông Kỳ đã xin làm kỷ niệm, để nhắc nhở con cháu suốt đời không quên tội ác của giặc.

Ngày đó, kẻ địch chôn sống ông Kỳ giữa ban ngày với mục đích uy hiếp nhân dân và du kích, bộ đội, nhưng chúng đã lầm. Sự tàn bạo đó chính là mồi lửa thổi bùng lên lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân Phú Xuyên. Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, quân và dân nơi đây đã anh dũng chống trả những trận càn lớn của địch, chiến thắng giòn giã nhất là trận cầu Gầm và trận chống càn thuộc các xã miền tây Phú Xuyên. Du kích và bộ đội đã tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn giặc, thu được nhiều súng, bắt được nhiều tù binh. Sau 2 chiến thắng oanh liệt này, quân và dân Phú Xuyên đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Ngọn lửa cách mạng ở Phú Xuyên cứ thế bùng phát như gặp lốc với sức lan tỏa ngày càng lớn. Các xã ven đường số 1 (gần nơi chôn sống ông Kỳ) đều có cơ sở Đảng phát triển mạnh, cơ sở quần chúng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền hoạt động. Trong đó, xã Đại Xuyên, quê hương ông Kỳ, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/1951, du kích đã phối hợp cùng bộ đội chặn đánh địch nhiều trận trên quốc lộ 1, phá hủy 70 xe quân sự, tiêu diệt hàng trăm tên giặc, làm cho giặc rất hoảng sợ khi hành quân qua địa phương.

Như lời ông Nguyễn Cát Khoa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Xuyên: “Chúng tôi – những người con của quê hương Phú Xuyên, những đồng đội của ông Kỳ, mong Đảng và Nhà nước sớm tôn vinh sự hy sinh dũng cảm của ông Kỳ như một anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Bởi, có những người con anh hùng như ông Trương Văn Kỳ thì mới có một xã Đại Xuyên được phong tặng Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân như ngày hôm nay”.