Đại tá Phạm Thọ tại mặt trận giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven năm 1970.
Tự hào là người lính quay phim chiến trường
Những ngày đầu tháng 6 trời Hà Nội nắng như đổ lửa, tôi tìm đến gặp ông tại nhà riêng nằm sâu trong con ngõ của phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vẫn tác phong nhanh nhẹn của người phóng viên năm xưa, ông ra tận đầu ngõ đón tôi. Căn phòng tuy nhỏ nhưng đồ đạc bày biện gọn gàng, ngăn nắp. Bê cốc nước mơ mát lạnh tự tay ông pha chế đưa cho tôi: “Con uống đi cho đỡ nóng, nước mơ giải nhiệt tốt lắm”. Rồi ông nhanh tay chấm vội giọt mồ hôi đọng dài trên trán, tay nâng niu cuốn sổ đã bạc màu theo thời gian, nhẹ nhàng lật giở từng trang, dường như những hình ảnh thời đạn lửa vẫn chưa hề nhạt nhòa trong trí nhớ của người phóng viên quay phim kỳ cựu, đại tá Phạm Thọ.Năm 1966, cuộc chiến tranh leo thang ném bom bắn phá miền Bắc của kẻ thù ngày càng tàn khốc. Phạm Thọ từ một vùng quê trung du nghèo thuộc xã Võ Lao, Thanh Ba (Phú Thọ) lên đường nhập ngũ. Một năm sau, chiến sĩ trẻ Phạm Thọ được biên chế về Điện ảnh Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị. Ông được tham gia khoá đào tạo cấp tốc về quay phim. Nói là học nhưng chủ yếu là sự truyền nghề của các đồng nghiệp đi trước theo lối thủ công. Tuổi trẻ cộng với đức tính nhanh nhẹn, thông minh Phạm Thọ lĩnh hội nhanh những kiến thức cơ bản về quay phim trong điều kiện thời chiến.
Đại tá, NSƯT Phạm Thọ.
Năm 1967, Phạm Thọ được điều động vào con đường Trường Sơn huyền thoại với chức danh Phó quay phim. Nơi đây được coi là "mưa bom, túi đạn", dù đã bao phen bị pháo dập, bom vùi, ông và đồng đội vẫn gan dạ, dũng cảm quay những thước phim vô cùng quý giá về sự khốc liệt của chiến tranh. Những thước phim ông quay được thực sự là những bản anh hùng ca về lòng dũng cảm, đức hy sinh, vượt qua gian khó của người lính. Bộ Phim tài liệu “Những chặng đường phía Nam” ra đời trong những hoàn cảnh ấy, mang đậm dấu ấn của Phạm Thọ. Đưa ánh nhìn về nơi cửa sổ, NSƯT Phạm Thọ trầm ngâm: “Thời đó, mỗi một vùng chiến sự lại thấm đẫm những kỷ niệm khác nhau của đời lính phía sau máy quay. Năm 1972, tại chiến trường Quảng Trị, tận mắt chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng cuộc đời khi những đồng đội thân yêu ngã xuống như Lê Văn Bằng, Lê Viết Thế, cùng bao người khác nữa. Dù khi ấy mịt mù khói lửa đạn bom, nhưng tôi vẫn kịp nhìn rõ ánh mắt của người sắp “đi xa” như muốn nhắn nhủ hãy làm tiếp phần việc của họ”.
Những thước phim có giá trị lịch sử
Cũng tại mặt trận Quảng Trị, nhà quay phim Phạm Thọ bí mật vào sát đồn địch để quay những hoạt động của địch. Bị địch phát hiện, bao vây, nhờ mưu trí nên ông đã thoát khỏi vòng vây của địch.
Nhà quay phim Phạm Thọ đang quay phim trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn.
Năm 1972, Phạm Thọ được điều động ra Bắc khi chiến dịch “Hà Nội 12 ngày đêm” đang ở giai đoạn khốc liệt. Chính ông là người trực tiếp ghi lại những thước phim quí giá về quân và dân ta đã bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Ống kính Phạm Thọ đã kịp thời ghi lại tội ác của kẻ thù khi chúng dùng bom la de phá hỏng nhịp 17 cầu Long Biên Hà Nội. “Vừa ở Quảng Trị ra, tôi được phân công trong đội quay phim, phải có mặt trên tất cả các điểm cao. Hồi đó máy quay phim nhựa không hiện đại được như bây giờ, nằm quay trong góc hẹp mà tên lửa rơi gần chúng tôi, bầu trời rực lửa vì đạn bom…”, nhà quay phim nhớ lại. “Có nhiều cuộc chiến đấu diễn ra ban đêm nên quay phim khó vì máy móc ngày ấy không được hiện đại như bây giờ. Trong quá trình quay phim, có lần suốt dọc đường hành quân, tôi phải ngồi trên nóc xe tăng mới quay được. Khi ấy việc bị trúng đạn hy sinh là điều rất bình thường, nhưng lúc đó trong tôi chỉ duy nhất một suy nghĩ phải làm sao để ghi lại được thật nhiều những hình ảnh của cuộc chiến. Tôi tự nhủ: Người lính có súng, nhà quay phim có máy mà nếu không quay được thì mình có lỗi với lịch sử. Hơn nữa, những thước phim quý giá này sẽ giúp cho thế hệ sau nhìn lại và hiểu sự khủng khiếp của chiến tranh như thế nào. Cứ thế, tôi mải miết quay dưới làn đạn quân thù”, Đại tá Phạm Thọ kể.
Thước phim quý giá nhất và cũng là kỉ niệm sâu sắc nhất đối với nhà quay phim chiến trường Phạm Thọ, đó là năm 1973 ông được đề bạt thành quay phim chính. Sau đó gần 2 năm ông được điều động tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ được tham gia chiến dịch này, ông đã quay được hình ảnh bộ đội ta đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy.
Đại tá, NSƯT Phạm Thọ (bên trái) cùng người bạn.
Vẫn đau đáu với nghề
Là phóng viên được vinh dự có mặt tại các chiến trường làm nhiệm vụ quay phim ghi hình để có những thước phim cho lịch sử. Dù đã trôi qua rất lâu nhưng hằng năm cứ đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, mọi ký ức về những trận đánh cam go ác liệt, sự hy sinh thầm lặng của bộ đội cũng như những người làm báo chiến trường như vừa mới hôm qua trong tâm tưởng nhà quay phim Phạm Thọ. “Những người làm báo thời chiến, họ sẵn sàng hy sinh bản thân và rất gian khổ. Nghề làm báo với phóng viên quay phim luôn đằng sau chiến sĩ, chứ không thể nghe kể lại, mà phải bằng hình ảnh trực tiếp, nên phóng viên quay phim chỉ khác người chiến sĩ đó là khẩu súng và máy quay ghi hình”, NSƯT Phạm Thọ nhớ về thời say mê với nghề. Để có những thước phim tư liệu quí giá về chiến tranh, những người quay phim chiến trường như đại tá Phạm Thọ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, và thậm chí cả máu của chính mình.
Chia tay ông trong chiều hè oi ả, trong tôi đọng lại những câu ông nói và cũng là lời nhắn nhủ: “Thế hệ trẻ hôm nay phải không ngừng học hỏi và hiểu rõ được lịch sử của nước nhà để thấy được thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập như thế nào. Nhất là với đội ngũ phóng viên trong thời bình, hãy luôn phát huy truyền thống của thế hệ các nhà báo đi trước”.
Giờ đây đã ở tuổi 73 nhưng nhà quay phim, đại tá, NSƯT Phạm Thọ vẫn say sưa làm báo.