Thứ nhất, người có HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine. Nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính, người có HIV thuộc nhóm có bệnh mãn tính, nếu bị mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Theo Bộ Y tế Việt Nam, trong quyết định 1210/2021 QĐ-BYT ngày 9/2/2021 đã xác định người có bệnh mãn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vaccine COVID-19.
Cục trưởng Cục Phòng chống AIDS Việt Nam PGS, TS Nguyễn Hoàng Long đã khẳng định lại điều này trong cuộc họp thảo luận về đề xuất của Việt Nam nộp cho Quỹ Toàn cầu để ứng phó với COVID-19 ngày 9/6/2021. Trước đây, có những lời đồn đoán rằng thuốc ARV có tác dụng ngăn ngừa COVID-19 nhưng đến nay, trên thế giới chưa có bằng chứng nào thừa nhận cho nhận định này.
Thứ hai, các loại vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vaccine như AstraZeneca (vaccine của Anh, được sản xuất ở nhiều nước, đang được dùng ở Việt Nam) và Pfizer (vaccine của Mỹ và Thuỵ sĩ sẽ về Việt Nam trong thời gian tới) đều đã được thử nghiệm trên một số người có HIV và cho thấy là an toàn. Các vaccine này không sử dụng virus COVID-19 sống mà sử dụng các vật liệu di truyền của COVID-19. Các vật liệu di truyền này không thể tự nhân lên nên cho dù cơ thể có miễn dịch yếu cũng không sợ là vaccine sẽ sinh ra virus trong người mình. Nên các loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn có thể tiêm được cho người có H.
Thứ ba, các loại vaccine đã được phê duyệt không có tương tác với thuốc ARV nên những người có HIV đang uống ARV sẽ không có tương tác thuốc, từ đó không làm giảm hiệu quả điều trị.
Trong việc tiếp cận chương trình phổ cập vaccine phòng ngừa COVID-19 toàn dân, cộng đồng người có HIV có thể gặp phải một số rào cản như bị từ chối được tiêm vaccine COVID-19 tại địa phương. Điều này có thể hiểu được, vì ở giai đoạn đầu của chương trình, một số cán bộ y tế có thể lo lắng là xẩy ra phản ứng khi tiêm vaccine ở những người có bệnh nền và không xử trí kịp nên họ từ chối.
Nhưng đến lúc này, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ và chuẩn bị các phương án xử trí khi có phản ứng nên cán bộ y tế không có lý do gì để từ chối tiêm vaccine cho người có HIV. Nếu họ làm vậy thì điều đó có thể coi là hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử và vi phạm đến Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như đi ngược lại chủ trương không bỏ ai lại phía sau trong lộ trình phổ cập vaccine ngừa COVID-19.
Mặt khác, một số cán bộ y tế chưa hiểu biết đầy đủ về HIV, sợ bị lây nhiễm HIV trong quá trình tiêm. Nếu cán bộ y tế thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn thì hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm từ thủ thuật tiêm. Thêm vào đó, các bệnh nhân đã tuân thủ điều trị, đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì không còn khả năng lây nhiễm nữa.
Bên cạnh đó, người có H còn lo lắng bị lộ thông tin cá nhân và tình trạng nhiễm HIV khi đăng ký và tham gia tiêm. Để được đăng ký vào diện ưu tiên tiêm vaccine, người có H cần phải thông báo về tình trạng HIV của mình cho cơ sở y tế hoặc các cơ quan tổ chức việc tiêm phòng tại địa phương. Các cơ sở chịu trách nhiệm về tổ chức và thực hiện chương trình tiêm phòng tại địa phương cần có hiểu biết và thực hành đúng đắn để không vi phạm đến quyền được bảo vệ thông tin của người có H. Nếu cần thiết, cần có một quy trình đảm bảo thông tin và các cán bộ y tế cần được hướng dẫn về việc thực hiện. Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng để giám sát việc triển khai, gỡ bỏ rào cản này để người có H có thể yên tâm tiếp cận với tiêm phòng.
Bên cạnh người có H cũng còn những nhóm dân cư dễ bị tổn thương đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong chương trình vaccine ngừa COVID-19 này, như: Nhóm người không có giấy tờ tuỳ thân, nhóm người không có nơi cư trú ổn định... có thể do cách thức tổ chức tiêm chủng vaccine tại địa phương. Các nhóm dân số này sẽ cần đến sự quan tâm của nhà nước và xã hội để bảo vệ sức khoẻ của chính họ và cả cộng đồng .