Cơ sở để xem xét bổ nhiệm, luân chuyển
Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (T.Ư) vừa được thông qua đã bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong việc kiểm tra, giám sát và kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ông nhìn nhận thế nào về quy định mới này?
Trước tiên, cá nhân tôi rất ủng hộ chủ trương này. Việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư để theo dõi, thẩm tra kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là rất đúng. Bởi thời gian qua, chúng ta đã có nhiều quyết định, nhiều nghị quyết về kê khai tài sản, nhưng việc kê khai dường như chỉ kê khai mà không công khai, dẫn tới thiếu minh bạch.
Khi thực hiện kê khai tài sản xong rồi các cơ quan tổ chức cán bộ lại cất trong tủ, không công khai để kiểm soát. Thứ nữa, người ta kê khai thế nào, có đúng không hay kê khai gian dối cũng khó mà biết được. Rồi còn có hiện tượng chuyển dịch tài sản của chính người có tài sản đó, thậm chí có dấu hiệu tài sản tham nhũng thì chuyển sang cho con cái, vợ hoặc chồng, hay người thân trong gia đình. Như thế là tài sản bất minh đó đã được biến hóa, được hóa phép thành tài sản của người khác.
Như vậy, khi có sự tham gia giám sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, những bất cập trên sẽ dần được khắc phục, không chỉ minh bạch hóa tài sản mà còn là cơ sở để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ?
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, có một vị lãnh đạo địa phương thậm chí đã chuyển tài sản cho con đang ở độ tuổi vị thành niên. Ở độ tuổi đó, con cái họ làm sao đã có hoạt động gì để tích lũy được vốn lớn như thế, rồi nhà cửa, đất đai, ô tô xịn… Nói như vậy để thấy nếu không có những kênh giám sát, kiểm soát hiệu quả thì tài sản nhà nước sẽ bị thất thoát rất nhiều.
“Khi có sự tham gia giám sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, tôi cho rằng có thể khắc phục được những bất cập hiện nay. Việc kê khai tài sản, xem người đó có tài sản bất minh hay không cũng là một trong những yếu tố để quyết định sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ”. Ông Lê Như Tiến |
Lâu nay chúng ta cứ nói đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ “đúng quy trình”. Nhưng ở đây điều quan trọng nhất là cán bộ thuộc diện “đầu vào” để đưa vào quy trình xem xét luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm là người như thế nào? Rõ ràng việc kê khai tài sản, xem người đó có tài sản bất minh hay không cũng là một trong những yếu tố để quyết định sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, hay luân chuyển đối với cán bộ.
Trên thực tế có những trường hợp khi đương chức thì sống giản dị, khiêm tốn, nhưng khi về hưu lại xây biệt thự hoành tráng khiến dư luận xôn xao. Phải chăng điều này do bất cập trong quản lý, giám sát kê khai tài sản?
Đó là những biểu hiện như tôi đã đề cập ở trên. Chẳng hạn như trường hợp ông Tổng Thanh tra Chính phủ (ông Trần Văn Truyền - PV) đã nghỉ hưu vừa qua, có hiện tượng khi về hưu đã xây dựng hẳn một dinh thự chứ không chỉ là biệt thự nữa. Rõ ràng khi còn đương chức cán bộ này đã che giấu tất cả tài sản. Khi đã về hưu rồi, anh ta coi là “hạ cánh an toàn”. Nhưng thực tế, không thể “hạ cánh an toàn” như vậy được, mà phải kiểm tra rất nghiêm ngặt, xem tài sản ấy do đâu mà có.
Khi có sự tham gia giám sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, tôi cho rằng, bất cập trên có thể khắc phục được. Mặc dù lãnh đạo nào đó nghỉ hưu rồi, không còn là cán bộ công chức nữa nhưng vẫn là đảng viên. Đã là đảng viên thì phải chịu sự kiểm soát của Đảng, điều này sẽ rất tốt.
Tôi đã từng đề nghị, cần quy định không có giới hạn nào đối với những trường hợp tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí. Kể cả khi về hưu rồi vẫn phải chịu trách nhiệm, vẫn phải hồi tố chứ không phải “hạ cánh an toàn”. Con đường đi của tài sản bất minh hiện rất lắt léo, nhưng tôi tin nếu cơ quan chức năng vào cuộc thì vẫn tìm ra được những ngóc ngách từ những con đường đi của tài sản bất minh đó.
Ông Lê Như Tiến.
Cùng với Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, việc bổ sung quy định này sẽ làm cho việc kiểm soát, giám sát cán bộ sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn?
Luật Phòng chống tham nhũng là áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nên chủ yếu luật chỉ giao thẩm quyền đó cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng về mặt Đảng thì phải có những quy định riêng, vì người ở những chức vụ như thế bao giờ cũng là đảng viên, mà đã là đảng viên thì phải chịu sự quản lý của Đảng, điều đó là tất yếu.
Quy chế làm việc của Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa này đã được sửa đổi, bổ sung một số điểm mới, cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của BCH T.Ư, của từng Ủy viên Bộ Chính trị, từng Ủy viên BCH T.Ư… Điều này hẳn là hết sức cần thiết, thưa ông?
Đúng là quy định này sẽ càng tốt hơn. Chỉ có cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của từng người, từ Tổng Bí thư, đến Ủy viên Bộ Chính trị, từng Ủy viên T.Ư… như thế mới rõ trách nhiệm cá nhân. Cần nêu rõ trách nhiệm cá nhân, nếu chỉ có trách nhiệm chung chung thì không ai chịu trách nhiệm cả, lúc đó sẽ trở thành “hòa cả làng”.
Đúng như Tổng Bí thư đã phát biểu, nếu thực hiện tốt các quy chế vừa được T.Ư thông qua, chắc chắn sẽ góp phần phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư, đồng thời giữ nghiêm được kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Cảm ơn ông.
Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư Đảng vừa diễn ra đã thảo luận, nhất trí thông qua về nguyên tắc nội dung Quy chế làm việc của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII; coi đây là những văn bản rất quan trọng cụ thể hóa Điều lệ Đảng, tạo cơ sở để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa này đã kế thừa cơ bản nội dung Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XI. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm về trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trong đó có việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý... |