Cây đa trên 200 tuổi được gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ”
Trước đây, để đến được buôn cổ người ta phải chờ đợi những chuyến đò mới vào được, bây giờ đường nhựa êm ru từ quốc lộ vào tận buôn, cuộc sống bà con ấm êm trù phú với 2 mùa gieo gặt. Ngay đầu buôn ngôi nhà cộng đồng bề thế, phía sau là cây đa khổng lồ vươn tán che mát cả một khoảng đất, những ngôi mộ ẩn hiện giữa rừng cây, người dân nơi đây còn gọi là rừng mộ ché.
Chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Y Vế Liêng vào một buổi chiều tà, người luôn tận tâm với công việc và còn dành một tình yêu lớn cho văn hóa dân tộc M’nông.Trong căn nhà dài đã cũ theo thời gian, ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Năm 1988 sau khi xuất ngũ, ông trở về buôn M’Liêng 1 sinh sống và cùng vợ làm nương rẫy. Năm1997, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Đắk Liêng, năm 2007 ông thôi giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Đắk Liêng và trở về giữ vai trò Bí thư chi bộ Buôn M’Liêng 1 cho đến năm 2017. Ông không giấu khỏi niềm tự hào và kể cho chúng tôi nghe bằng một giọng trầm hùng, khi được hỏi về buôn cổ M’Liêng (được chia ra thành buôn M’Liêng 1 và buôn M’Liêng 2) nơi ông đang sinh sống, nếu như trước đây, muốn đến buôn M’Liêng phải chờ đợi những chuyến đò ngang trên hồ Lak, thì giờ đây có thể băng băng chạy xe máy trên con đường bê tông thẳng tắp nối buôn M’Liêng với Quốc lộ 27.
Theo cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk: Tháng 4/2006, Bộ VHTTDL đã cho phép Sở VHTTDL Đắk Lắk triển khai Dự án Bảo tồn buôn cổ M’Liêng được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xét chọn là buôn cổ độc nhất trên cao nguyên Đắk Lắk để triển khai dự án bảo tồn văn hóa truyền thống M’Liêng với mục tiêu xây dựng bảo tồn buôn M’Liêng đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’Nông R’Lăm. Nơi đây như một Tây Nguyên hoang sơ cổ kính của hàng trăm năm trước chứa đựng những giá trị văn hóa cổ truyền của người M’Nông R’lăm. Đặc biệt, người dân buôn M’Liêng vô cùng tự hào bởi trong khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng của buôn còn tồn tại một cây đa cổ thụ trên 200 năm tuổi, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh đã công bố Quyết định và gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ” vào cuối tháng 7-2017.
Những chiếc chóe cổ trên 100 tuổi của gia đình ông Y Vế Liêng
Mải tiếp chuyện chúng tôi trời về chiều, những tia nắng vàng xuyên qua vách phên nứa của căn nhà dài in trên sàn gỗ, trong căn nhà có rất nhiều chiếc gùi, lớn có, bé có được treo ngay ngắn do chính tay ông đan. Ông cho biết, từ nhỏ, khi thấy người lớn đan gùi là ông ông lại chăm chú ngồi xem, năm 15 tuổi ông đã tự tay đan được những chiếc gùi đẹp, đến nay ông thỉnh thoảng vẫn đan thêm gùi cho gia đình và con cháu sử dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi quan sát thấy bên vách căn nhà của ông có 10 chiếc ché được xếp ngăn nắp sạch sẽ. Ông cho biết, ché là vật quý của người M’ nông, thường dùng trong các lễ hội, đặc biệt người M’nông có một quan niệm rằng ché sau khi dùng xong phải đem rửa sạch và phơi dưới nắng thật khô mới được mang cất. Trong 10 cái ché của gia đình ông, có những chiếc ché đã gần trăm tuổi, chúng được ông lau chùi cẩn thận cho khỏi bám bụi mỗi ngày, khi nào có lễ hội ông mới mang ra dùng.
Nhà Bảo tồn văn hóa buôn M'Liêng
Thanh âm trầm bổng của tiếng cồng chiêng đã khiến ông mê đắm, không chỉ lưu giữ những “linh hồn” của dân tộc, ông còn có một niềm đam mê với cồng chiêng. Quyết học đánh chiêng từ khi còn rất nhỏ và giờ đây, ông trở thành một người đánh chiêng “lão luyện” của buôn M’Liêng, nằm trong đội chiêng của buôn tham gia giao lưu biểu diễn với các buôn làng khác của núi rừng Tây Nguyên. Hiện gia đình ông còn lưu giữ một bộ chiêng mà bản thân ông cũng không nhớ rõ bộ chiêng này có tuổi đời bao nhiêu, ông chỉ biết nó đã có từ đời bà cố ngoại. Hằng năm, bộ chiêng và ché của gia đình ông được đưa ra phục vụ cho các lễ hội diễn ra trong buôn hoặc các ngày lễ quan trọng của các thành viên trong gia đình. Với ông, chiêng là vật thiêng của gia đình và dân tộc, do đó ông luôn dặn dò con cháu phải giữ gìn cẩn thận, tuyệt đối không được bán đi. Cũng theo ông, hiện nay buôn M’Liêng có khoảng 8 bộ chiêng cổ có độ tuổi từ 100-200 năm, bên cạnh đó nhà ở trong buôn có trên 90% là nhà dài của người M’nông và nhiều hộ trong buôn vẫn còn giữ được các bộ chiêng, trống da trâu, ghế kpan…
Nhớ lại sau bao thăng trầm của chiến tranh lửa đạn ông tâm sự, tôi muốn dành thời gian gắn bó với ruộng đồng, với gia đình. Muốn tự tay đan những chiếc gùi cho vợ, con lên rẫy. Muốn đánh chiêng và dạy chiêng cho lũ trẻ trong buôn, để không bị mai một những văn hóa truyền thống mà bao đời cha ông để lại, sẽ sống mãi trong cộng đồng người M’nông, cho dù xã hội có đổi thay thế nào.