Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người của làng cười

Sau một thời gian chống chọi căn bệnh ung thư màng phổi, Nghệ sĩ Ưu tú Hán Văn Tình đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 4/9, tại nhà riêng, hưởng dương 59 tuổi. Ông sinh ra ở Văn Lang - nơi được mệnh danh là “cả làng nói khoác”. Được đắm mình trong những chuyện cười, chuyện vống, cùng nét khôi hài hóm hỉnh đã ngấm vào máu của ông. Chính điều đó đã góp phần hình thành phong cách diễn xuất của nghệ sỹ sau này. Bài viết “Người của làng cười” của nhà thơ Hà Văn Thể, như một nén tâm nhang tưởng nhớ đến người nghệ sỹ tài hoa mà bạc mệnh.

 

Cái làng Văn Lang “cả làng nói khoác” ấy thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, Phú Thọ chỉ cách nhà tôi chừng hơn cây số, nhưng khác huyện. Thuở nhỏ tôi thường hùa với đám bạn trong làng, khi mỗi lần trông thấy mấy bà người Văn Lang gồng gánh đi chợ qua làng Vực, thế là đồng thanh hét lên “ Văn Lang cả làng nói khoác…”, nghe vậy nhưng các bà không giận, mà còn có vẻ thích thú nữa. Những chuyện cười ở Văn Lang còn truyền đến nay không ai biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng có từ ngày xưa, từ thời các cụ kỵ, đến ông bà đã thể hiện cách nói như thế và truyền lại đời sau. Các nhà nghiên cứu sau này thì quả quyết truyện cười Văn Lang có từ thời Hùng Vương và người ta thống kê làng Văn Lang là một trong 16 làng nói trạng của cả nước.

Nghệ sĩ Ưu tú Hán Văn Tình.

Nói là truyện cười nhưng không thể hiện bằng văn bản nào, mà biến vào nếp nghĩ, tiếng nói, thông qua giao tiếp hàng ngày của một bộ phận người dân ở đây một cách tự nhiên. Có một bà gánh sắn đi bán, thấy người mua còn băn khoăn không biết sắn có bị sượng không, để quảng cáo sắn của mình ngon, bở, liền nói “sáng dậy muộn, chẳng kịp luộc, lấy vội hai củ giắt vào cạp quần, đi mới nửa đường thấy sắn đã chín, bở tung”. Hoặc “nhà em có con gà trống có lần đứng ở văng chuồng trâu, nó vỗ cánh gáy một tiếng mà làm chiếc văng chuồng trâu gẫy đôi”, người bán rau thì nói nhà có giống rau rền to cao, người nhà em phải trèo lên mới hái được. Tôi vẫn nhớ chuyện con tôm của một bà kể “ hôm qua nhà em đánh được con tôm to ơi là to, về cho vào nồi đất nấu, vừa mới đốt lửa lên, con tôm cựa một cái, làm nồi nứt vỡ toang, sau phải cho vào nồi gang, đậy nắp chèn cối đá lên mới được”...

Người dân Văn Lang giàu tưởng tượng, cái gì cũng nói vống lên một tý thành ra nói khoác. Có lẽ do lập nghiệp trên vùng đất đồi nghèo khó, đã tạo cho con người nơi đây tính cách khôi hài, hóm hỉnh, lạc quan. Cứ có dịp tụ họp nhau lại là mọi người lại thả sức kể chuyện và thả sức…cười. Những năm khó khăn, có nhà thơ đã viết ngụ ý rằng, đôi khi người Văn Lang lấy tiếng cười cho quên đi cơn đói. Nghệ sỹ Hán Văn Tình sinh ra và lớn lên ở làng cười Văn Lang, được đắm mình trong môi trường ấy từ thuở ấu thơ, những chuyện cười, chuyện vống, cùng nét khôi hài hóm hỉnh đã ngấm vào máu của ông. Nếu ai đã một lần đến làng cười này, sẽ nhận ra phong cách “người quê” của ông không lẫn vào đâu được, chính điều đó đã góp phần hình thành phong cách diễn xuất của nghệ sỹ sau này.

Năm 1970, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc rất ác liệt, vùng đồi Tam Nông được chọn làm nơi sơ tán của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa. Các đơn vị nghệ thuật nói là đi sơ tán, nhưng vẫn phải tập luyện và biểu diễn. Mỗi lần Đoàn tuồng dàn dựng xong vở mới lại tổ chức diễn cho bà con sở tại xem. Năm ấy, cậu bé Hán Văn Tình mới học lớp bảy, cậu rất mê kịch, ngày thường trốn học xem các nghệ sỹ tập luyện, còn đêm đến thì cứ quanh quẩn chỗ đoàn đóng quân. Thấy cậu bé có cá tính và mê kịch, lãnh đạo Đoàn liền thử sức cậu, không ngờ cậu hoàn thành được bài thi một cách hoàn hảo. Đến khi báo cáo lãnh đạo để tuyển thì bị vướng tiêu chuẩn ngoại hình, vì cậu chỉ cao có 1m37, nặng 34 kg, thế là không đạt. Lúc đó Hán Văn Tình phải được các nghệ sỹ Quang Tốn, Bạch Trà bảo lãnh mới được nhận vào học Trường sân khấu Việt Nam khóa 1972 - 1976. Hán Văn Tình kể do thời gian học đang chiến tranh, giáo trình học tập không nhiều, học chủ yếu theo kiểu truyền nghề. May mắn là ông đã được các nghệ nhân lão làng như cụ Tốn, cụ Bạch Trà, cụ Như, cụ Nhi, cụ Ngà tận tình chỉ bảo đủ các ngón nghề, và bản thân chịu ham học, chịu khổ luyện nên đã trưởng thành nhanh.

Nghệ sỹ Hán Văn Tình thừa nhận rằng, cũng do cá tính, tính cách và một phần dung nhan tướng mạo, mà trong cuộc đời sân khấu của mình ông toàn được giao sắm những vai phản diện. Thành công được ở những vai này cũng là một kỳ tích trên sân khấu. Ngay khi mới ra trường ông đã đảm nhận những vai trong các tích tuồng cổ, như vai Tạ Thạch Sư trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa”, nhân vật này nhiều mưu mô xảo quyệt đã cướp ngôi vua. Rồi tiếp đến vai Chu Thiện trong trích đoạn tuồng cổ “Triệt giang đoạt A đẩu”, Chu Thiện là một tên tướng bất tài nhưng ngông nghênh, hống hách. Đến các vở tuồng lịch sử, ông lại sắm vai Kiều Công Tiễn trong vở “Tiếng gọi non sông” nói về thời Ngô Quyền dựng nước. Vai này là kẻ nghịch tặc, sau đã giết Dương Đình Nghệ. Trong vở tuồng lịch sử Đề Thám, Hán Văn Tình lại vào vai viên Tổng đốc Lê Hoan xứ Bắc Kỳ, một viên quan thâm hiểm theo chân bọn thực dân, thẳng tay đàn áp phong trào nổi dậy của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám...

Ở các vở tuồng hiện đại về sau này, như vở “Tình mẹ” nói về phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, ông sắm vai tên Lý Xăng, một tên chức dịch nhỏ chuyên làm chỉ điểm cho địch. Hay trong vở “Đất suối hoa” nói về người Tây Nguyên đánh Pháp, theo tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, do đạo diễn Ngọc Phương dựng, ông lại sắm vai tên Chu Rú là một tên theo giặc phản quốc, làm hại cách mạng. Vở tuồng “Không còn con đường nào khác” mà ông tham gia, là một bước ngoặt trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của ông. Vở diễn nói về phong trào đồng khởi, của tác giả Văn Phác, do nghệ sỹ Đoàn Anh Thắng đạo diễn. Ông sắm vai một tên đồn trưởng gian ác. Tên này nhiều tính cách, vừa thọt chân, vừa háo sắc, lại thâm hiểm... và ông đã lột tả toàn bộ tính cách vai này một cách xuất sắc. Cũng từ vai diễn này, Hán Văn Tình đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, để từ đây ông bắt đầu chuyển sang thử sức ở lĩnh vực mới, lĩnh vực điện ảnh.

Có thể nói Hán Văn Tình là diễn viên sân khấu dân tộc đầu tiên đến với điện ảnh. Bắt đầu là bộ phim “Canh bạc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh với vai Lão trọc; rồi đến vai Vàng Đọ trong phim “Vụ áp phe Đông Dương”, vai bác Mùi nuôi quân trong phim “Hoa ban đỏ”, và tham gia hàng loạt phim video khác như “Phía trước là bầu trời”; “Người thổi tù và hàng tổng”; “Bác cả là người sung sướng”; đặc biệt là vai Chu Văn Quềnh trong phim dài tập “Đất và người”. Vai diễn này người xem biết đến ông nhiều nhất, thậm chí ngoài đời người ta quen gọi tên ông bằng tên của nhân vật phim.

Với cương vị là Trưởng đoàn biểu diễn 2 của nhà hát tuồng, ngoài việc tổ chức tập luyện các tác phẩm mới, để đáp ứng phục vụ khách du lịch mỗi tuần 3 buổi tại rạp Hồng Hà, Bộ VH-TT&DL còn giao chỉ tiêu mỗi năm Đoàn của ông phải biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa 15 buổi. Ngoài ra để tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, phải liên hệ tìm nơi diễn khắp nơi. Với thời buổi này, lo để sân khấu đỏ đèn được quanh năm không hề đơn giản.

Là lãnh đạo, nghệ sỹ Hán Văn Tình hầu như không còn thời gian rảnh rỗi. Thỉnh thoảng điện cho ông, lại nghe ông bảo đang ở Lào Cai, hay Tuyên Quang, ông đi tiền trạm tìm nơi đưa đoàn đến. Cũng chính vì bận rộn mà có doanh nghiệp Nga mời cá nhân ông đến lần thứ 3 ông vẫn phải từ chối, hay các sự kiện tổ chức, các chương trình hài tết có lời mời, nhưng ông không thể tham gia.

Mấy năm gần đây có một sự thay đổi nho nhỏ với ông, ấy là vợ ông đã nghỉ hưu, có thời gian chăm 2 con nhỏ, để ông toàn tâm cho công việc ở đoàn kịch ông phụ trách. Hiện tại gia đình ông không còn ở trong khu tập thể Mai Dịch nữa, mà chuyển nhà về phía Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Trên mảnh đất ông mua được, ngoài dựng căn nhà nhỏ, còn có chỗ trồng rau, nuôi gà. Ông bảo cái tạng ông nó hợp với cảnh thôn quê hơn. Dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vài năm nay sức khỏe đã yếu, có lúc ông tính chuyện nghỉ ngơi, làm người nghệ sỹ tự do cho thanh thản. Ấy là ông tâm tư vậy, chứ tôi biết ông vẫn còn yêu, say nghề lắm lắm.

Vậy mà...