Trong khoảng thời gian quê hương của mình trở thành tâm dịch Covid-19 ở Afghanistan và lệnh phong tỏa bắt đầu được chính phủ áp dụng, Mohamed Kareen Tawain, 80 tuổi, một nha sĩ sống ở thành phố Herat đã có một giấc mơ kỳ lạ vào đêm nọ. Cụ thể, ông đã mơ thấy mình lấy tiền của vợ và đem đi từ thiện nhưng lại không tìm thấy một ai trên đường để cho tiền.
"Khi tôi đến phòng khám vào sáng hôm sau và kể giấc mơ mà mình gặp. Tôi biết nó có liên quan trực tiếp đến virus corona. Vì thế mà ngay sáng hôm đó, tôi đã quyết định miễn hết phí thuê địa điểm cho 10 cửa hàng mà tôi cho thuê." - ông Tawain nói, được biết số tiền thuê lên tới 6.000 đô la Mỹ (hơn 141 triệu VNĐ).
Phân phát khẩu trang cho người dân ở thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: NY Times)
Hiện virus corona đang lây lan khắp Afghanistan, tại thời điểm mà quốc gia này vừa phải chống lại lực lượng khủng bố Taliban và cũng vừa nhận lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ. Và trong bối cảnh như vậy, người dân Afghanistan đã thể hiện tinh thần sẻ chia, tấm lòng hào phóng và quan tâm lẫn nhau.
Ở nơi mà suốt nhiều thế kỷ qua luôn chìm trong tiếng súng đạn thì ý thức trách nhiệm cộng đồng như vậy đang giảm bớt phần nào nỗi đe dọa của đại dịch Covid-19.
Khắp Afghanistan lúc này, nhiều người cho thuê nhà cũng đã miễn tiền thuê, thậm chí một số trường hợp còn miễn cho đến khi đại dịch chấm dứt. Các thợ may đã tự làm ra hàng ngàn chiếc khẩu trang. Thanh niên và các vận động viên tham gia vận chuyển đồ ăn tới các bệnh viện và gia đình thiếu thốn. Trong khi đó, truyền hình địa phương cũng đã tổ chức gây quỹ cộng đồng và một tờ báo cũng đã lên tiếng kêu gọi giảm tiền thuê nhà. Hội trường cưới và các trường học cũng đã tình nguyện chuyển thành bệnh viện dã chiến, phục vụ công cuộc chống dịch Covid-19.
Các y tá được huy động tới thành phố Herat để chống dịch Covid-19 vào ngày 20/03 (Ảnh: NY Times)
Ở Kunduz - một thành phố suốt nhiều năm qua đã bị Taliban tấn công, những chủ cửa hàng cũng đã thể hiện một chút nỗ lực của mình trong việc phòng dịch khi cho lắp đặt các bồn rửa tay kèm theo xà phòng để khách đi đường có thể khử trùng.
Thành phố Taloqan thuộc tỉnh miền bắc Takhar, một trung tâm thương mại lớn có khoảng 40 cửa hàng đã buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Jamshed Kundali, người đang điều hành một đài phát thành nhỏ trong đây nói rằng chủ nhân của trung tâm thương mại này đã gọi cho anh và nói rằng tiền thuê cửa hàng sẽ được miễn. "Ông chủ nói rằng không chỉ là tiền thuê tháng này được miễn, thậm chí là có thể được miễn tới cuối năm nếu dịch bệnh còn tiếp diễn. Ông ấy cũng chẳng ra điều kiện gì cả, chỉ là ông ấy muốn chúng tôi hãy ở yên trong nhà và tuân thủ chỉ định của cơ quan y tế để không bị nhiễm bệnh" - Kundali cho biết.
Tuy nhiên, với nhiều người nghèo trên đất nước này, việc phong tỏa đất nước không khác gì đẩy họ đến nạn đói cả, vì tất cả những người đó đều phụ thuộc vào đồng lương mỗi ngày để nuôi sống gia đình mình. Trong tình tình như vậy, nhiều quan chức địa phương bằng kinh phí hạn hẹp đã cố gắng xây dựng các chốt kiểm dịch, đồng thời cũng kiểm soát giá cả thị trường.
Mohamed Kareem Tawain, nha sĩ 80 tuổi ở thành phố Herat đã miễn tiền thuê cho 10 cửa hàng mà ông sở hữu (Ảnh: NY Times)
Tại tỉnh Nangarhar, thị trưởng Shahmahmood Miakhel đã lập quỹ khẩn cấp chống dịch Covid-19 và chỉ trong một ngày đã nhận được hơn 100.000 đô la Mỹ (hơn 2,3 tỷ VNĐ). Trong khi không đủ khả năng lập các phòng thí nghiệm hay các cơ sở cách ly, thị trưởng Miakhel đã cố gắng bằng nhiều cách, ngăn chặn những tin đồn mê tín liên quan đến đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của người dân.
"Uống trà đen không phải là cách để chữa virus corona, cách duy nhất để phòng ngừa là hạn chế tụ tập đông người và thực hiện nghiêm chỉnh cách ly xã hội" - ngài thị trưởng kêu gọi trên mạng xã hội cá nhân của mình.
Còn tỉnh Faryab, thị trưởng Naqibullah Faiq nói rằng nhiều người đàn ông bị nhiễm bệnh nhưng từ chối đến bệnh viện vì gia đình của những người này phụ thuộc vào họ. Ngài thị trưởng đã trấn an và gửi cho gia đình của họ nhu yếu phẩm cơ bản.
"Một người đàn ông 50 tuổi đã trốn xe cứu thương 2 lần và chạy khỏi cảnh sát 1 lần. Vì thế chúng tôi đã gửi cho họ 1 bao gạo, 5 kg đậu, 2 kg đường và 1 bao bột mỳ. Sau đó, người đàn ông đã vui vẻ quay trở lại bệnh viện để tiến hành cách ly" - ngài thị trưởng nhớ lại khi tới nhà tìm người bệnh, được biết ông ta còn mẹ già và trong gia đình chỉ mỗi ông ấy là người có công việc.
Ở tỉnh Kandahar, một thợ may tên là Mohammad Younas nói rằng anh đã biến cửa hàng của mình thành một nhà máy sản xuất khẩu trang để sản xuất cho người nghèo.
"Virus thực sự đáng sợ, tôi đã ra ngoài mua khẩu trang cho gia đình nhưng chỉ tìm thấy trong hiệu thuốc và giá cũng quá cao, điều mà nhiều người dân ở Kandahar không thể chi trả nổi." - thợ may này nói. Được biết, ông Younas đã tự sản xuất được 7.000 cái và có thêm 1.000 cái nữa được bạn bè ủng hộ từ Canada.
"Chúng đều có chất lượng tốt và có thể giặt được. Tôi không giàu có gì cả nhưng tôi thấy đây là điều cần phải làm cho người dân đất nước mình." - ông Younas nói trong tự hào.
Mohammad Younas, một thợ may ở tỉnh Kandahar đã ủng hộ 8.000 khẩu trang cho cư dân địa phương (Ảnh: NY Times)
Quay trở lại với ông Tawain, nha sĩ ở Herat, ông nói rằng mình đã sống với chiến tranh và hạn hán suốt những năm tháng cuộc đời, tuy nhiên ông vẫn lạc quan với người dân Afghanistan, kể cả khi đa số họ đều nghèo nhưng ông biết rằng khi người dân cả nước cùng nhau sẻ chia thì sẽ gộp lại thành một khối to lớn, đủ tiền tài, khí lực và cả tình người.
"Tôi nhớ những ngày trước khi nạn đói do chiến tranh và hạn hán vây lấy đất nước này. Thật đáng sợ! Khi đó, gia súc chết đầy trên phố và nhiều gia đình phải bán con gái đi để lấy tiền nuôi những đứa con còn lại. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi không còn sợ nữa. Dù cho thời điểm này rất khó khăn nhưng nếu chúng ta đoàn kết thì virus corona chẳng còn là vấn đề nữa." - ông Tawain nói.
(Theo NY Time)