Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hầu hết các hộ nghèo và cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của việc tắt sóng tín hiệu truyền hình analog đều đã được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số. Các hộ dùng ti vi thế hệ cũ không thuộc diện được hỗ trợ, phải tự mua thiết bị thu truyền hình số tại Hà Nội còn 4,08%, Hải Phòng: 2%, Cần Thơ: 3,62%, TP Hồ Chí Minh: 2%.
Từ 0h ngày 16/8, tivi thế hệ cũ tại 23 tỉnh, thành phố không bắt được tín hiệu truyền hình analog.
Mặc dù đã được tuyên truyền về việc sẽ tắt tín hiệu truyền hình analog, tuy nhiên gia đình ít có nhu cầu xem truyền hình nên gia đình chị Nguyễn Thị Dung (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) vẫn sử dụng ăng ten để bắt sóng truyền hình. Sáng ngày 16/8, mở ti vi xem chương trình Chào buổi sáng thì chiếc tivi mua từ năm 2010 của chị Dung chính thức bị vô hiệu hóa với dòng chữ kín màn hình: “Thông báo: Theo Quyết định của Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam, từ ngày 15/6/2016, Đài truyền hình Việt Nam ngưng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại khu vực. Nhân dân trong khu vực có thể thu xem các kênh chương trình quảng bá của Truyền hình Việt Nam bằng các thiết bị thu kỹ thuật số DVB-T2 (STB) hoặc tivi có tích hợp đầu thu DVB-T2. Tổng đài tư vấn giải đáp: 05111022”. Chỉ đến khi chiếc tivi không thể xem được những kênh truyền hình cơ bản mà gia đình chị vẫn thường xem như VTV1, VTV2, VTV3... thì chị tá hỏa gọi điện đến các siêu thị điện máy, cửa hàng kinh doanh thiết bị kỹ thuật số và các đơn vị lắp truyền hình trả tiền để được tư vấn, hỗ trợ.
Người dân tìm hiểu tivi thế hệ mới có gắn đầu thu kỹ thuật số.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều model TV số của các hãng điện tử tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB T2/MPEG4. Các thương hiệu TV lớn ở Việt Nam như Samsung, Sony, LG… đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB T2 vào các dòng TV đời 2014. Theo đó, mua những tivi thế hệ mới này có thể xem được một số kênh truyền hình. Tuy nhiên, tùy vào khu vực dễ bắt sóng những chiếc tivi này có thể bắt được hơn 10 kênh truyền hình trong nước. Một chiếc tivi thế hệ mới có tích hợp đầu thu được bán với mức giá thấp nhất là gần 3 triệu đồng đối với những tivi 24inch. Những loại tivi màn hình lớn, thế hệ mới có giá đắt hơn. Nhân viên bán hàng điện máy tư vấn, để bắt được nhiều kênh truyền hình, người tiêu dùng nên mua thêm 1 chiếc ăng ten và có thể bắt được 30 kênh truyền hình khác nhau. Giá của một chiếc ăng ten nhỏ lắp trong nhà có giá khoảng 100 nghìn đồng/chiếc. Người dân ở nhà thấp tầng, ở những khu vực khó bắt sóng nên mua ăng ten ngoài trời có giá khoảng 300 nghìn đồng/chiếc.
Đối với những hộ đang dùng TV chưa tích hợp DVB T2 có thể chuyển sang mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2. Giá một đầu thu DVB T2 hiện nay có giá khoảng từ vài trăm nghìn đồng cho đến hơn 1 triệu đồng. Người dân không nên mua đầu thu kỹ thuật số trôi nổi được bán trên thị trường, không có dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và logo số hóa truyền hình để đảm bảo chất lượng thu sóng truyền hình số đúng quy chuẩn do Bộ TT&TT ban hành.
Các thuê bao đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, số vệ tinh (chảo), truyền hình thông qua đường truyền Internet (hay còn gọi là IPTV) đều không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Vì vậy, nếu các hộ gia đình đang dùng TV không tích hợp vẫn có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cáp số, số vệ tinh (chảo) hoặc IPTV như: Truyền hình cáp số gồm đầu thu HD HTVC, đầu thu HD SCTV, đầu thu HD VTVcab; Số vệ tinh (chảo): K+, VTC, AVG (chảo); Truyền hình thông qua internet: MyTIVI (VNPT), NetTIVI(Viettel), OneTIVI(FPT). Tuy nhiên, cước thuê bao các loại truyền hình trả tiền nêu trên đắt hơn nhiều (110 - 150.000/tháng) so với việc trang bị đầu thu kỹ thuật số DVB T2 (20-50.000/tháng của AVG, hoặc miễn phí hoàn toàn cước tháng). Đầu thu HD HTVC hiệu PAMA chỉ là chuẩn DVB T, phí 150.000/tháng (100.000 phí analog + 50.000 phí HD) đắt hơn nhiều so với việc sử dụng đầu thu DVB T2 hiện nay.