Trên Tiền Phong, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: Vụ cháy kho Công ty Rạng Đông, Hà Nội là một sự cố nghiêm trọng về hỏa hoạn, về hóa chất, gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và sức khỏe của nhiều người dân xung quanh. Bởi vậy ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân nơi đây.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hậu quả của vụ cháy mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, kể từ khi đám cháy xảy ra đến khi công ty nhận trách nhiệm, xin lỗi mất đến gần 10 ngày. Trước đó Công ty còn cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường... không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân. Bởi vậy, những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng, theo pháp luật thì kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi thì vẫn phải bồi thường. Còn trường hợp có lỗi thì trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì sẽ xử lý hình sự người có nhiệm vụ đối với việc phòng cháy chữa cháy ở công ty này.
Còn trên Dân Việt, luật sư Lê Hồng Huấn (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ vụ cháy nếu không được bồi thường hoặc không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện Công ty Rạng Đông để đòi quyền lợi, đây là quyền của công dân.
"Tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí nếu người dân muốn khởi kiện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông" - luật sư Huấn cho hay.
Luật sư Huấn phân tích, trong vụ việc này, có thể thấy Công ty Rạng Đông đã lựa chọn phương thức không hành động, như: không báo cáo đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng thủy ngân trong sản xuất bóng đèn; không cảnh báo đến người dân xung quanh liên quan đến việc thủy ngân có thể đã phát tán ra môi trường; không hỗ trợ người dân trong việc di dời khỏi nơi bị ảnh hưởng của thủy ngân...
Như trong thông tin mới nhất được Tổng cục Môi trường công bố, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480 nghìn bóng đèn bị cháy có thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn viên amalgam). Nguyên nhân vụ cháy còn đang tiếp tục được làm rõ, nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của Công ty Rạng Đông bởi nguồn nguy hiểm thủy ngân xuất phát từ đơn vị này.
"Sau khi xảy ra cháy, Công ty không công bố thông tin có hóa chất độc hại, sau đó lại công bố thông tin mơ hồ, không chuẩn xác, không hỗ trợ người dân. Điều này là đáng lên án" - luật sư Huấn nói.
Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Từ điều luật này có thể thấy trách nhiệm của Công ty Rạng Đông là rõ ràng.
Còn trên báo dân trí, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Trước đó, khoảng 18h30 ngày 28/8, tại kho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) đã xảy ra cháy lớn. Khoảng 7h sáng ngày 29/8, đám cháy mới có thể được khống chế. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình đã phát thông báo về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy.
Tuy nhiên chưa đầy 24 giờ sau, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với Uỷ ban nhân dân phường Hạ Đình. Phường phải ra quyết định thu hồi thông báo vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở. Sau đó Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân ra một thông báo khẳng định các chỉ số đều trong ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chứng minh hóa chất độc hại đối với sức khỏe người dân xung quanh hiện trường đám cháy nhà kho, xưởng sản xuất của công ty Rạng Đông đã bị phát tán.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định khoảng 200m từ tường rào nhà máy, hàm lượng thủy ngân trong không khí ở ngưỡng không an toàn như Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.
Ngày 6/9, sau nhiều áp lực từ dư luận, Công ty Rạng Đông đã có thư xin lỗi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bức thư này vẫn thể hiện sự chân thành của công ty mà và chưa thấy công ty nhận trách nhiệm đối với sức khỏe của người dân.