Điều trị bệnh tại tuyến dưới với chất lượng của tuyến trên
Chị Nguyễn Thu Hương sống và làm việc ở Hà Nội nhưng bố mẹ chị vẫn ở Hải Phòng. Thời gian gần đây, mẹ chị hay kêu đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mắt nhìn mờ, nhìn bà lúc nào cũng gà gật, mệt mỏi. Chị xin nghỉ phép về Hải Phòng đưa mẹ tới một bệnh viện tư nhân khá nổi tiếng ở Hà Nội khám thì phát hiện ra bà mắc bệnh u màng não. Nghe đến những căn bệnh có liên quan đến não, ai trong gia đình chị cũng lo lắng, khiếp sợ. Cả gia đình chị họp bàn lên xuống xem quyết định sẽ cho mẹ chị đi mổ ở bệnh viện nào. Bạch Mai là lựa chọn đầu tiên họ nghĩ đến, vì đây là bệnh viện tuyến cuối, toàn bác sĩ giỏi lại có kinh nghiệm, nhưng nghĩ lại cảnh mấy năm trước bác chị điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở Bạch Mai, một giường 2-3 bệnh nhân chen chúc, người nhà thì chầu chực, mỏi mệt, có lần đêm bố chị phải nằm ngay sát cửa nhà vệ sinh để trông anh, chị thấy kinh hoàng. Bạch Mai không khi nào không quá tải. Họ lại nghĩ đến Bệnh viện Việt Đức. Việt Đức cũng đông chả kém, nhưng đỡ hơn Bạch Mai chút xíu và nghe mọi người nói còn có thể đăng ký phòng dịch vụ. Vậy là, chị định chuyển mẹ lên Việt Đức để mổ u màng não, nhưng đến hôm chuẩn bị đưa mẹ chị lên Hà Nội để khám và hẹn lịch mổ thì bố chị đùng cái bị chảy máu dạ dày phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng ngay gần nhà để cấp cứu Trong những ngày chăm sóc bố tại Bệnh viện Việt Tiệp, chị nhận thấy cơ sở vật chất của Bệnh viện khá tốt, phòng ốc sạch sẽ, bác sĩ rất nhiệt tình, đến bếp ăn của Bệnh viện cũng khá ngon và sạch. Và thật tình cờ, chị có kể với một bác sĩ ở đây về bệnh tình của mẹ chị thì được vị bác sĩ tư vấn Khoa Phẫu thuật Thần kinh và Cột sống của Bệnh viện Việt Tiệp hoàn toàn có thể mổ được cho mẹ chị. Bây giờ, các bệnh viện đầu ngành đều thực hiện chuyển giao công nghệ và các kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến nhất về các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, nên chị hoàn toàn có thể yên tâm. Thậm chí, nếu chị muốn thì có thể trao đổi với các bác sĩ để mời bác sĩ trên Hà Nội về cùng hội chẩn và chỉ đạo phẫu thuật.
Vị bác sĩ nói, Việt Đức, hay Việt Tiệp đều có thể mổ được cho mẹ chị và đảm bảo an toàn, quyết định như thế nào là ở gia đình chị, tuy nhiên, xét về thuận tiện đi lại và chi phí sinh hoạt kèm theo, chị nên dựa vào hoàn cảnh gia đình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh và Cột sống, Bệnh viện Việt Tiệp chuẩn bị cho một kíp mổ.
Bố chị mới mổ dạ dày, chưa đi lại được, cuối cùng, chị và anh trai quyết định mẹ chị mổ tại Hải Phòng để tiện chăm sóc cả hai ông bà. Và đó là một quyết định sáng suốt. Chị tuy phải nghỉ phép mất 1 tuần để về lo việc mổ cho mẹ, nhưng anh trai và chị dâu đều rất thuận tiện trong việc chăm sóc hai ông bà. Ca mổ thành công tốt đẹp đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ về chi phí đi lại, giường bệnh cũng như tiền ở trọ nếu cả nhà chị cùng kéo lên Thủ đô để phẫu thuật u màng não cho mẹ.
Không chỉ Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng được tiếp nhận những kỹ thuật hiện đại nhất từ các bệnh viện tuyến trên, theo Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, có rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, và người có lợi nhất chính là người bệnh. Họ được điều trị ngay tại địa phương, được hưởng bảo hiểm y tế đầy đủ, tiết kiệm được thời gian đi lại, thời gian chờ đợi…
Kể từ năm 2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức đã tiến hành khảo sát 13 bệnh viện của các tỉnh và lựa chọn bệnh viện đa khoa các tỉnh: Nam Ðịnh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), và Bệnh viện đa khoa khu vực Sơn Tây (Hà Tây) để xây dựng trung tâm ngoại khoa vệ tinh. Mục tiêu chính là tăng cường năng lực ngoại khoa về hai lĩnh vực phẫu thuật sọ não và phẫu thuật chấn thương (chi, bụng, ngực) góp phần giảm tình trạng quá tải, đồng thời phát triển các trung tâm khu vực đủ khả năng khám, chữa người bệnh chấn thương.
Những hiệu quả từ Đề án 1816
Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816) được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 26/5/2008 nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.
Nguyên tắc và thời gian cử đi luân phiên: Cử cán bộ chuyên môn hoặc kíp cán bộ chuyên môn (gọi tắt là cán bộ đi luân phiên) từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trên có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật về luân phiên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Thời gian công tác do đơn vị cử cán bộ đi luân phiên quyết định, nhưng tối thiểu 03 tháng đối với 01 lần luân phiên của 01 cán bộ. Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều bệnh viện tuyến dưới. Ngược lại, một bệnh viện tuyến dưới có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên.
Bộ Y tế cho biết, chỉ sau hơn 10 năm thực hiện Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, tính đến đầu năm 2018 đã có hơn 2,5 triệu lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh, 4.800 kỹ thuật được chuyển giao, gần 24.000 ca phẫu thuật được thực hiện, 4.000 lớp tập huấn được mở đào tạo cho gần 12.000 học viên…
Cán bộ đi luân phiên của các bệnh viện Trung ương đã khám và điều trị cho hơn 500.000 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện trên 61.000 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới.
Nhờ Đề án 1816 mà chất lượng khám, chữa bệnh trong cả nước được nâng lên; số giường bệnh tăng đáng kể; trang thiết bị của các bệnh viện từ trung ương đến địa phương đều được hiện đại hóa; nguồn lực về y tế giữa các vùng miền được điều chỉnh một cách hợp lý; người dân ngày càng tin tưởng vào trình độ tay nghề của các bác sĩ tuyến dưới và lựa chọn đến các cơ sở y tế địa phương để khám chữa bệnh ngày càng nhiều hơn; nhờ thế, các bệnh viện tuyến trên đã được giảm tải phần nào.
Phương Anh/GĐ&TE