Đời sống, sinh kế "mắc kẹt" bởi bụi cao tốc
Thời gian vừa qua, người dân xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) không khỏi bức xúc, lo lắng trước thực trạng bụi đất đỏ phát ra từ công trường thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như công việc làm ăn của họ. Tại xóm Thái Mỹ, thôn Đông Thái có khoảng 10 hộ dân luôn phải cửa đóng then cài cả ngày lẫn đêm để hạn chế bụi bay vào nhà. Theo người dân đia phương, dù đã dùng nhiều biện pháp hạn chế bụi, nhưng đời sống sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống đến ngủ nghỉ luôn bị đảo lộn. "Ăn không dám dọn ra mâm, đồ đạc, nhà cửa vừa lau dọn phía trước, quay laị phía sau bụi đất đỏ đã phủ dày", bà Trần Thị Sau, người dân xóm Thái Mỹ bức xức nói. Bà Sau cho biết, mỗi ngày gia đình bà phải phải xịt nước 3 đến 4 lần để lau chùi nhà, khiến tiền nước tăng lên gấp 3, 4 lần so với bình thường. "Nếu chỉ là một hai ngày còn chịu được, chứ đằng này ngày nào cũng như ngày nào thì chúng tôi cũng hết sức chịu đựng rồi. Vẫn biết đây là công trình lớn của quốc gia, nhưng những người có trách nhiệm cũng nên tìm cách hạn chế tình trạng bụi bặm như hiện nay để bảo đảm sức khoẻ, đời sống người dân nữa chứ", bà Sau nêu quan điểm.
Còn theo ông Lê Quang Đảng (chồng bà Sau), người dân Phong Mỹ không chỉ lo lắng về sức khoẻ, mà còn bị thiệt hại về mặt kinh tế do ảnh hưởng của khói bụi công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. "Gia đình tôi có hơn 5ha cao su trong thời kỳ thu hoạch mủ, ảnh hưởng của cơn bão số 9 hồi năm ngoái đã bị gãy, hư hại gần 3ha. Giờ còn hơn 2ha nhưng nằm sát công trường nên không thể nào cạo mủ được. Xe chạy mọi lúc, bụi bay mù mịt như thế thì ai mà đứng đó để cạo được. Không những thế, lát cạo vừa hoàn thành thì bụi đất đỏ đã phủ kín, mủ không kịp chảy", ông Đảng cho biết.
Tương tự, gia đình ông Trương Quốc Hải (50 tuổi, ở thôn Đông Thái) có trang trại và rừng cao su rộng gần 5ha tại khu đồi Bắc Khe Mạ, xã Phong Mỹ. Khi công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn bắt đầu thi công, con đường lâm sinh Khe Mạ được nhà thầu trưng dụng làm đường vận chuyển đất đắp nền đường. Xe chạy liên tục khiến cả con đường phủ lớp đất bụi dày đặc, khi có xe chạy qua là cả cánh rừng dọc tuyến đường ngập trong khói bụi. "Trước đây, bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi cạo được 1,5 tạ mủ tươi bán với giá 18.000 đồng/kg. Nay xe tải chở vật liệu thi công cao tốc chạy qua cả ngày lẫn đêm, bụi cuộn lên dày đặc bám vào thân cây cao su nên chúng tôi không thể cạo lấy mủ được. Còn trang trại được đầu tư xây dựng để nuôi gà nay cũng phải bỏ không", ông Hải cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Chung - Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, trước đây toàn xã có 1.500ha cây cao su. Để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn xã dài hơn 11km, có khoảng 80ha rừng của người dân bị thu hồi. Từ nhiều năm qua, đời sống của người dân địa phương phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác mủ cao su. Tuy nhiên, do việc khai thác mủ không tổ chức được nên cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Tác động "kép" từ cao tốc, mỏ đá
Không chỉ tại Phong Mỹ mà hầu hết người dân ở dọc công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, như tại Phong Xuân, Phong Sơn (Phong Điền), Hương Vân, Hương Văn, Hương Thọ (Hương Trà),… thời gian qua cũng phải chịu cảnh khói bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Có thời điểm vì quá bức xúc trước tình trạng bụi bay dày đặc triền miên, người dân đã chặn xe thi công, không cho chạy. Mới nhất, nhiều hộ dân tại TDP Giáp Thượng 1, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà đã liều mình tổ chức chặn xe. Họ biết việc làm của mình có thể sai về mặt pháp luật, nhưng do sự bức xúc bị dồn nén lâu ngày nên đã có hành động bột phát này.
Không những thế, trong số những hộ dân nói trên còn có nhiều hộ chịu tác động từ hoạt động của mỏ đá vôi Văn Xá thuộc Công ty TNHH xi măng Luks Trường Sơn. Bà Nguyễn Thị Bưởi, người dân TDP Giáp Thượng 1 cho biết, năm 2018, gia đình bà cũng như nhiều hộ khác nằm trong khu vực gần mỏ đá được chính quyền địa phương cho bốc thăm lô tại khu tái định cư Ruộng Cà (TDP Giáp Thượng 2) để di dời khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi bốc thăm thì gia đình bà và nhiều hộ khác lại không được cấp đất để xây nhà. "Hiện nay chúng tôi vô cùng khốn khổ vì vừa phải chịu cảnh khói bụi bao vây suốt ngày, vừa phải lo lắng cho sự an toàn sức khoẻ, tính mạng mỗi khi mỏ đá vôi nổ mìn. Trưa nào cũng thế, cứ đến giờ họ nổ mìn khai thác là chúng tôi lại nhận được thông báo yêu cầu di dời khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Vì thế, mong muốn chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi sớm được di dời, ổn định đời sống", bà Bưởi kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Đống - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Hương Trà cho biết, năm 2018, thị xã Hương Trà triển khai thực hiện phương án di dời các hộ dân ảnh hưởng hoạt động khai thác mỏ đá vôi Văn Xá, với 43 hộ dân thuộc diện di dời. Đến nay, thị xã đã hoàn thành di dời 24 hộ có đất ở được bồi thường và bố trí tái định cư tại khu Ruộng Cà. Hiện còn 15 hộ thuộc diện xây nhà ở ổn định trên đất vườn của cha mẹ chưa thể di dời do vướng mắc các quy định về giới hạn định mức đất ở.
Theo ông Đống, khu tái định cư Ruộng Cà được xây dựng từ năm 2010 với diện tích quy hoạch mỗi lô từ 250 – 288,7m2. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thì các đối tượng nói trên chỉ được cấp từ 60 – 100m2. Do đó không thể cấp đất theo phương án cũ.
"Hiện nay, vị trí nổ mìn khai thác đã sát khu dân cư, gây chấn động lớn và khói bụi ảnh hưởng đến đời sống, gây bức xúc cho người dân. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị giao đất tái định cư để xây nhà ở. Thị xã Hương Trà đã có báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch và cơ bản đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý. Trong quý 4/2021 này sẽ có thể cấp đất cho người dân. Khi có quyết định phê duyệt chính thức của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ lập tức phối hợp với địa phương tổ chức họp dân, thông báo phương án cấp đất mới", ông Đống khẳng định.