Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người dân Nhật Bản không quan tâm nhiều lắm đến tình dục

 
Theo khảo sát mới đây, 50,1% phụ nữ cho biết họ không quan hệ tình dục. (Ảnh minh họa: businessinsider)
 
Báo chí Nhật Bản đã gọi hiện tượng "bom nổ chậm nhân chủng học" bằng cái tên sekkusu shinai shokogun - hội chứng sống độc thân, theo Businessinsider.
 
Về cơ bản, người dân Nhật Bản không quan tâm lắm đến tình dục - và điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng vượt ra ngoài biên giới đất nước.
 
Các bằng chứng gần đây nhất được đưa ra trong một cuộc khảo sát do Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản thực hiện và được đăng trên tờ Japan Times.
 
Tại thời điểm được hỏi, 49,3% người thuộc độ tuổi 16-49 trong số 1.134 người được khảo sát cho biết họ không hề quan hệ tình dục trong tháng trước.
 
Có một sự khác biệt nhỏ về giới tính:
 
• 48,3% đàn ông nói rằng họ không quan hệ tình dục
 
• 50,1% phụ nữ cho biết họ không quan hệ tình dục
 
Theo Japan Times, so với 2 năm trước, cả hai con số nói trên đã tăng 5%.
 
Những người được hỏi đưa ra nhiều lý do giải thích cho việc không quan hệ tình dục như sau: 21,3% nam giới đã lập gia đình và 17,8% phụ nữ đã lập gia đình nói rằng họ thấy mệt mỏi sau khi đi làm về, và 23% phụ nữ đã có gia đình nói rằng "chuyện ấy" rất "phiền phức." 
 
17,9% nam giới được hỏi nói rằng họ không thấy hứng thú (hoặc thực sự không thích) việc quan hệ tình dục.
 
Một nghiên cứu khác cho thấy những xu hướng thậm chí còn cực đoan hơn.
 
Theo một báo cáo năm 2011 của Trung tâm Dân số Nhật Bản do Max Fisher trích dẫn trên tờ The Washington Post:
 
• 27% đàn ông và 23% phụ nữ không hứng thú với một mối quan hệ lãng mạn.
 
• Từ lứa tuổi 18-34, 61% nam giới và 49% phụ nữ không có người yêu.
 
• Từ lứa tuổi 18-34, 36% nam giới và 39% phụ nữ chưa bao giờ có quan hệ tình dục.
 
Các chuyên gia nói rằng "sự suy giảm những hành động thân mật giữa con người" ở Nhật Bản là kết quả của một nền kinh tế phát triển cao cùng sự bất bình đẳng giới sâu sắc (Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Nhật Bản đứng thứ 104 trong số 140 quốc gia về vấn đề bình đẳng giới, xếp giữa Armenia và Maldives).
 
"Những phụ nữ có trình độ chuyên môn đang mắc kẹt giữa mâu thuẫn đó," Fisher viết. "Không chỉ là vấn đề thiếu các chương trình giữ trẻ vào ban ngày khi người lớn đi làm: Xã hội kỳ vọng rằng những người phụ nữ có thai hay thậm chí chỉ cần vừa kết hôn thôi cũng sẽ nghỉ việc, và họ phải chịu áp lực rất lớn từ xã hội về vấn đề đó, đến mức thấy rằng những thăng tiến trong sự nghiệp là một chuyện rất xa vời. Người Nhật thậm chí còn có một từ dành riêng cho những phụ nữ đã lập gia đình mà vẫn đi làm: oniyome, tức là "những bà vợ ma quỷ."
 
Hiện tượng này đã bóp nghẹt những triển vọng dành cho phụ nữ Nhật Bản. Fisher cho biết rằng phụ nữ trong độ tuổi 20 có 25% cơ hội không bao giờ kết hôn và 40% cơ hội không bao giờ có con.
 
Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản đã đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2014 khi chỉ có hơn 1 triệu em bé được sinh ra. So sánh với con số 1,3 triệu người tử vong trong cùng năm, đây chính là một cuộc khủng hoảng dân số sâu sắc. Theo Viện dân số Nhật Bản, tổng dân số có thể giảm xuống còn 107 triệu vào năm 2040 - tức là thấp hơn so với hiện nay khoảng 20 triệu người.
 
Đồng thời, dân số Nhật Bản cũng đang thu hẹp dần va già đi, tạo ra một "quả bom hẹn giờ nhân khẩu học" có thể phát xạ ra khắp toàn cầu qua khoản nợ quốc gia ở mức độ ngang với Hy Lạp và những quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc và Mỹ.
 
Chính phủ Nhật Bản đã ra mặt để giải quyết xu hướng thích sống độc thân của nhân dân hiện nay. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe muốn 80% các ông bố có kỳ nghỉ làm cha, giống như các bà mẹ có kỳ nghỉ thai sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Và một nhà kinh tế thậm chí còn đề nghị đặt ra loại thuế "đánh lên những người đẹp trai" để các anh chàng mọt sách trở nên hấp dẫn hơn với phụ nữ.
 

Nhiều "quả bom hẹn giờ nhân khẩu học" cũng sắp bùng nổ trên khắp thế giới. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ sinh con trai đã vượt tỷ lệ sinh con gái từ rất lâu, và "khủng hoảng hôn nhân" sắp sửa tấn công cả hai quốc gia này.

Theo Mai Nguyễn (Vietnam+)