Theo cơ quan chức năng, ngày 6/9, ông Đ.H. (SN 1965, trú thôn An Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến 1 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện để chuyển tiền theo yêu cầu đối tượng giả danh cơ quan Công an.
Trước đó, đối tượng giả danh này thông báo ông H. có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đe doạ tiến hành bắt tạm giam nếu không đặt tiền bảo lãnh 15 triệu đồng.
Do thiếu hiểu biết pháp luật và quá hoảng sợ, ông H. đã đi vay mượn, chuẩn bị đủ số tiền theo yêu cầu của các đối tượng giả danh rồi mang đến ngân hàng để chuyển tiền.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, chi nhánh ngân hàng đã thông báo đến cơ quan chức năng địa phương. Ngay khi nắm bắt thông tin, Công an xã Quảng An (Công an huyện Quảng Điền) đã làm việc với ông H., giải thích rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng giả danh cơ quan chức năng để ông không chuyển số tiền trên, qua đó kịp thời ngăn chặn, không để hậu quả xấu xảy ra.
Được biết, trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai hiệu quả các chương trình, biện pháp nghiệp vụ phòng chống hoạt động sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khủng bố. Công an huyện Quảng Điền đã thường xuyên phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân về phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi của các loại tội phạm, nhất là trên không gian mạng. Nắm bắt được việc lừa đảo trên không gian mạng ở vùng nông thôn, đa phần tập trung vào nạn nhân là người thiếu hiểu biết, không quen chuyển tiền bằng hình thức online, chủ yếu đến ngân hàng để chuyển trực tiếp.
Theo cơ quan Công an, phương thức, thủ đoạn như vụ việc nêu trên tuy không mới nhưng nhiều người dân vẫn dễ dàng “sập bẫy”. Thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm không gian mạng thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt cơ quan Công an, Viện kiểm sát… để gọi điện cho bị hại. Chúng thường thông báo cho bị hại biết đang bị kiện vì nợ tiền hoặc liên quan vụ án, chuyên án mà cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra, đã có lệnh bắt của Viện kiểm sát nhân dân,… đồng thời, yêu cầu bị hại kê khai tài sản, tiền mặt và số tiền có trong tài khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt nạn nhân phục vụ điều tra và yêu cầu chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản do chúng kiểm soát, chiếm đoạt.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân: Khi làm việc, xác minh, điều tra với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.