Mới đây, Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa tiếp nhận tê tê (ừ anh Nguyễn Hồ Đăng Minh (ngụ TP.HCM) để thả về tự nhiên.
Theo anh Minh, trong một lần đi ăn ở Đồng Nai, anh nghe một người dân ở bàn kế bên có kể có người bắt được một con tê tê và đang tìm chỗ để tiêu thụ.
Nghe xong, anh Minh ngỏ ý mua lại với ý định đưa về sở thú thả vì lúc đầu anh tưởng là tê giác có sừng.
Tuy nhiên, sau khi mua về, kiểm tra anh Minh mới biết đây là tê tê, động vật nằm trong sách đỏ, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
"Khi tôi nắm được thông tin về loài tê tê, tôi đã liên hệ cán bộ Rừng Phòng hộ Quốc gia Nam Cát Tiên thì được đơn vị này tiếp nhận và sau đó thả về rừng tự nhiên", anh Minh thông tin.
Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cát Tiên, hằng năm ở Việt Nam có hàng ngàn cá thể động vật hoang dã bị săn bắt và buôn bán trái phép dẫn đến nhiều động vật bị tuyệt chủng, nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
"Những năm qua Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cát Tiên đã truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước để cứu hộ và chăm sóc, huấn luyện và tái thả thành công hàng nghìn động vật hoang dã về tự nhiên.
Tê tê hay còn gọi là trút hoặc xuyên sơn là các loài động vật có vú thuộc Bộ tê tê. Tê tê thường có kích thước từ 30 đến 100cm. Một số loài tê tê đã bị tuyển chủng.
Thân tê tê có lớp vảy keratin bảo vệ lớn và cứng bao phủ da của chúng; chúng là động vật có vú duy nhất được biết đến với đặc điểm này. Chúng sống trong những hốc cây rỗng hoặc hang, tùy theo loài ở các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi.
Tê tê là loài sống về đêm, và chế độ ăn uống của chúng bao gồm chủ yếu là kiến và mối chúng bắt được nhờ cái lưỡi dài của chúng. Vào ban ngày, chúng cuộn tròn thành quả bóng để ngủ. Chúng thường là động vật sống đơn độc chỉ gặp nhau để giao phối và sinh ra một lứa từ một đến ba con mà chúng nuôi trong khoảng hai năm.
Tê tê bị đe dọa bởi nạn săn trộm (để lấy thịt và vảy của chúng, được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc), và nạn phá rừng nặng nề đối với môi trường sống tự nhiên của chúng. Chúng là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.