Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khoá X, đại biểu Đặng Quốc Toàn đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Khi nào có thuốc điều trị COVID-19 được bán rộng rãi tại các quầy thuốc, nhằm tạo sự chủ động cho người dân?".
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, thời điểm mới có dịch, F0 tại nhà rất nhiều, ngành y tế bối rối vì không có thuốc đặc trị; trong khi đó bệnh viện dã chiến hết chỗ, số ca F0 tại nhà nhiều vì chưa được tiêm vaccine. Còn hiện nay, hầu hết người dân được tiêm vaccine, thuốc điều trị cũng đã có, đặc biệt là thuốc kháng virus (Molnupiravir) đã chứng minh hiệu quả sau thời gian thử nghiệm.
Gần đây, trên thị trường có thêm loại thuốc Paxlovid của Mỹ do Pfizer sản xuất đã chứng minh hiệu quả rất tốt. Ông Thượng cho biết, 2 công ty nắm bản quyền đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét cấp phép sản xuất trong nước.
"Hy vọng thời gian không xa, lượng thuốc điều trị sẽ phong phú, không bị khan hiếm như thời gian qua", ông Thượng nói và cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép sản xuất đại trà. "Trong tương lai, người dân có thể nhận được thuốc kháng virus này hoặc ra nhà thuốc mua uống như một loại thuốc cảm bình thường”.
Giám đốc Sở Y tế cho biết, TP vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều thuốc Molnupiravir và Sở Y tế đã phân bổ ngay cho các địa phương. “Số này cũng chưa đủ nên chúng tôi kêu gọi ưu tiên cho nhóm nguy cơ, xem xét ưu tiên cho các F0 trong đối tượng nguy cơ. Có thuốc điều trị, tiêm vaccine mũi nhắc lại, chúng tôi kỳ vọng chiều hướng tích cực của dịch bệnh trong tương lai", ông Thượng cho hay.
Tính từ 16 giờ ngày 10/12 đến 16 giờ ngày 11/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.441 ca nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 482.626 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
UBND TP.HCM vừa thông báo cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết 128 tính đến ngày 9/12. Theo đó, TP vẫn ở cấp độ 2. Đối với cấp huyện, có 8 địa phương cấp độ 1 gồm: Quận 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. 13 địa phương cấp độ 2 gồm: Quận 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Quận 4 vẫn duy trì cấp độ 3. Với cấp phường, xã, thị trấn, có 115/312 địa phương cấp độ 1; 176/312 địa phương cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3. Như vậy có 36 phường xã giảm cấp độ dịch và 24 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Cụ thể là 6 chiến lược chính, gồm: Bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố; kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.
Theo đó, Thành phố hình thành mạng lưới Trạm y tế - Trạm y tế lưu động - Tổ y tế lưu động khu phố - Tổ COVID-19 động đồng; xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở; thí điểm cho bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở... Đồng thời, TP cụ thể hóa chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" thành trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn sẽ trực tiếp điều hành mọi hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn...