Là một trong những người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ bà Phạm Thị Kim Thoa (77 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) đến nhận tiền hỗ trợ cho biết: "Vừa thấy buổi chiều báo chí đưa tin thành phố có hỗ trợ thì buổi tối có giấy mời, chúng tôi rất ấm lòng trước sự quan tâm của các cấp chính quyền. Chỉ mất khoảng 2 phút làm thủ tục, tôi đã nhận được tiền hỗ trợ. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thành phố đã luôn quan tâm, chăm đến đời sống người dân".
Đón nhận số tiền 1,5 triệu đồng dành cho đối tượng người có công, cụ Nguyễn Thị Bớt (89 tuổi) là mẹ liệt sĩ (ở tổ dân phố 5, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) xúc động chia sẻ: "Trong cuộc sống thường nhật, gia đình chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ là món quà tri ân đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất, bởi chính sách này đến với người dân trong giai đoạn khó khăn. Đó là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Thành phố đối với nhân dân".
Là một trong những người đầu tiên của quận Ba Đình đến nhận tiền từ gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của Chính phủ, bà Trương Thị Hảo (tổ dân phố 3D) phường Liễu Giai chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình bà đặc biệt khó khăn. Hiện, ông bà đã ngoài 70 tuổi, vẫn phải đi bán hàng rong nuôi hai người con không may bị khuyết tật. Trong thời điểm có dịch Covid-19, chế độ trợ cấp hằng tháng và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng chính là điểm tựa cho cuộc sống của gia đình bà. "Thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng thường xuyên đến nhà tôi thăm hỏi, động viên, tặng quà. Sự trợ giúp kịp thời đó giúp gia đình tôi và những người đồng cảnh vơi đi bao khó khăn. Nay được nhận thêm tiền hỗ trợ, tôi rất xúc động. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo đến những người yếu thế như chúng tôi", bà Trương Thị Hảo nói.
Ngày 29/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng: Người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
Để kịp thời chi trả, hỗ trợ nhanh cho các đối tượng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp của ngân sách quận, huyện, thị xã để chi trả theo đúng quy định.
Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, tổng cộng có 414.992 người được hưởng trợ cấp trong đợt này từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng với tổng kinh phí là 505,607 tỉ đồng; trong đó: Người có công với cách mạng là 77.116 người (kinh phí hỗ trợ 115,674 tỉ đồng); đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 182.105 người (kinh phí hỗ trợ 273,157 tỉ đồng); nhân khẩu thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP. Hà Nội là 26.789 người (kinh phí hỗ trợ 20,091 tỉ đồng); nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của TP Hà Nội là 128.912 người (kinh phí hỗ trợ 96,684 tỉ đồng).
UBND thành phố Hà Nội sẽ tăng cường vai trò giám sát của Ban công tác Mặt trận tại cơ sở. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, để bảo đảm việc thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ.