Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người đứng đầu nhạy bén

Bao nhiêu năm gắn bó với Ngành LĐ-TB&XH từ chuyên viên cho đến giám đốc, ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk luôn đau đáu một điều: “Phải làm sao cho lĩnh vực mình quản lý và chỉ đạo được triển khai các chính sách nhanh gọn nhất, hợp lý nhất”.

 

Nhạy bén và sâu sát

        Quyết đoán, nhạy bén và luôn sâu sát trong mọi vấn đề thuộc mình quản lý. Tác phong ấy còn được ông Trường “tiếp lửa” cho nhiều nhân viên khác trong Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk. Ông luôn tâm niệm rằng: Ngành quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Thế nên tất cả chính sách phải triển khai kịp thời. Năm 2014, trước thực trạng đau lòng của một số vụ tai nạn lao động, ông Trường đã nhạy bén chỉ đạo tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền kiến thức an toàn lao động đến các doanh nghiệp và nhiều địa phương khác nhau. Những lớp tập huấn bổ ích cũng đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp mở ra để cung cấp kiến thức cho người lao động. Chính thế nên, năm 2015, đã hạn chế được rất nhiều tai nạn đáng tiếc. Hết tháng 6/2015, chỉ xảy ra chưa đến 10 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 7.192 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký sản xuất, kinh doanh; trong đó có 5.870 doanh nghiệp, hợp tác xã còn hoạt động. Cũng trong 6 tháng qua, tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án. Cùng với sự lớn mạnh và phát triển các doanh nghiệp thì công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động luôn được chú trọng.

Ông Nguyễn Quang Trường ân cần thăm hỏi người có công

          Nhiều vấn đề nóng bỏng, với vai trò là Giám đốc Sở, ông Nguyễn Quang Trường quyết liệt chỉ đạo đã được giải quyết nhanh. Điển hình như đầu năm 2015, tình trạng nhiều buôn nghèo điêu đứng vì các đối tượng “cò” lao động lừa các em nhỏ bắt đi lao động như khổ sai. Ông Trường cùng các Ban, Ngành vào cuộc thống kê, xác minh. Chỉ riêng tại huyện Cư Kuin, Sở phát hiện 20 người chuyên đến vùng sâu, vùng xa để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em đi làm. Sở đã yêu cầu các đối tượng “cò” cam kết không tái phạm và sẽ tiếp tục phối hợp với Công an làm rõ các đối tượng còn lại. Đồng thời, ông Trường cũng vạch ra phương án tham mưu cho nhiều cơ quan chức năng khác là; các cấp, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh. Ưu tiên các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho những xã khó khăn, nhất là tạo điều kiện cho những gia đình nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tiếp tục cho con em đến trường. Quan tâm bố trí kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở để phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc rà soát, nắm bắt thông tin tình hình trẻ em. Với những chỉ đạo kịp thời này, tình trạng lừa lao động là trẻ em đi lao động khổ sai đã được chặn đứng. Nhiều trẻ em đã được giải thoát trở về, được định hướng hỗ trợ học nghề. 

Tận tình và chu đáo 

           Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Đắk Lắk luôn là một trận tuyến trọng điểm của Tây Nguyên. Nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt đã diễn ra, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Ông bộc bạch rằng: Cần phải nhận thức được rằng, có được cuộc sống hôm nay là nhờ vào biết bao sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước. Lượng người có công không còn nhiều nên chúng ta phải cố gắng tận tình hỗ trợ, chăm sóc. Các chính sách mới, Nghị định mới về các đối tượng người có công được ông Trường ưu tiên cho triển khai ngay. Đến các ngày lễ, ngày Thương binh-Liệt sỹ đích thân ông đi ân cần thăm hỏi, tặng quà các đối tượng. Từ những sự tận tụy của Giám đốc Sở mà phong trào phụng dưỡng chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nhiệt tình hưởng ứng, tất cả các mẹ còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng về công tác thương binh liệt sĩ; quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ ổn định về mọi mặt trong đời sống. Để nâng cao nghiệp vụ chăm sóc người có công tốt hơn, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về chính sách thương binh, liệt sĩ, các quy trình thủ tục giải quyết chế độ chính sách được tuyên truyền sâu rộng đến tận xã, phường. Cũng trên cương vi là giám đốc Sở, trước tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng các kẻ hở để làm hồ sơ thương-bệnh binh giả, ông Trường đã ráo riết chỉ đạo xác minh, làm rõ và đã đình chỉ và tạm đình chỉ chế độ của 137 đối tượng làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thương, bệnh binh bắt đầu từ tháng 7/2015.

          Nhiều cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH ở Đắk Lắk cho biết: Mấy chục năm gắn bó với ngành, trên cương vị Giám đốc, ông Trường luôn có những chỉ đạo kịp thời, chính xác, luôn tạo ra khối đoàn kết trong tập thể của Sở, để cùng nhau hoàn thành tốt công tác đang quản lý, điều hành.