Sáu ngày một tuần, bất kể nắng hay mưa, ông Tân đều dậy lúc 6h sáng và đến trường dạy học. Ông làm việc chín giờ mỗi ngày tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh suốt năm năm qua, kể từ khi ông “nghỉ hưu”chính thức. Say mê công việc, và muốn giữ sự năng động, ông Tân là một trong nhiều người trên 60 tuổi ở Việt Nam tiếp tục làm việc sau khi về hưu.
Theo FT Confidential Research, một nghiên cứu của Financial Times, khoảng 65% người Việt trên 50 tuổi vẫn tiếp tục làm việc. Tỷ lệ này cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia.
Ông Tân cho biết hàng tháng ông nhận được hơn 7 triệu đồng lương hưu, đủ cho sinh hoạt của hai vợ chồng. Vì thế, công việc này đối với ông không phải là một gánh nặng, mà là niềm tự hào, mang lại năng lượng cho ông trong cuộc sống.
Thái độ này khá phổ biến đối với nhiều người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, những người đã trải qua thời kỳ khó khăn của những năm tháng sau chiến tranh, và chứng kiến sự đổi thay của đất nước nhờ vào sự lao động chăm chỉ.
“Tiền nhiều khi chỉ là thứ yếu”, ông nói. “Điều quan trọng nhất là làm điều gì có ích cho xã hội”. Ông Tân cho biết cơ thể ông chậm chạp hơn trong hai năm gần đây, nhưng ông vẫn muốn làm việc thêm 4-5 năm nữa. Nếu không làm việc nữa, tôi cảm thấy mình già đi”.
Với nhiều người về hưu khác, tiền là lý do chính khiến họ tiếp tục làm việc, vì lương hưu không đủ sống. Lương hưu bình quân ở Việt Nam hiện nay khoảng 4 triệu đồng/tháng, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH.
Cùng với khoản lương hưu ít ỏi, thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng từ công việc bảo vệ cho một công ty tại phố Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội giúp ông Đặng Văn Quân sống thoải mái hơn. Tuy nhiên, công việc này khá vất vả với một người 70 tuổi như ông.
“Công việc này không dễ dàng gì, vì tôi thường phải xếp những chiếc xe máy khá nặng trong bãi xe chật chội”, ông nói. “Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng nếu không làm, tôi sẽ không đủ tiền để sống.”
Tại Việt Nam, những người làm việc trong khu vực công, và các công ty có đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, những người này chỉ chiếm 29% người cao tuổi, theo số liệu của Liên Hợp Quốc (UN).
Không có lương hưu, và không dựa được vào con cái, nhiều người già buộc phải làm việc kiếm sống. Theo UN, khoảng 40% người Việt Nam trong độ tuổi 70-74 vẫn đang đi làm.
Tuy nhiên, không phải người già nào muốn làm việc đều có việc làm. Nhiều chủ sử dụng lao động không muốn thuê người cao tuổi do lo ngại năng suất kém. Nhiều người cao tuổi phải chấp nhận những công việc bán thời gian, hoặc công việc thời vụ. Một số khác tự tạo việc làm cho bản thân.
Khoảng 7 trên 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức như bán hàng rong, lái taxi, buôn đồng nát, theo UN. Đây đều là những công việc vất vả với thu nhập thấp.
Một số chuyên gia cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết ở Việt Nam, nơi nhóm người trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp phải “gánh” nhóm người già đang gia tăng cả về số lượng và tuổi thọ.
Số người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên hơn 18 triệu người vào năm 2040, chiếm hơn 18% dân số, và đưa Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trích một báo cáo gần đây của UN cho biết.
Bộ này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi, thực hiện từ 1/1/2021. Tuổi nghỉ hưu hiện nay là 60 đối với nam, và 55 với nữ. Một số chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam muốn giải quyết tình trạng lực lượng lao động giảm sút, nhiều người trên 60 tuổi, và thậm chí trên 70 tuổi sẽ cần làm việc.
“Có hay không có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc”, ông Tân nói. “Tôi đã làm việc hơn 40 năm, và chỉ dừng lại khi không còn tí sức lực nào”.
Theo Ngân Anh/vnexpress