Luôn giữ lửa đam mê
Trong nhiều lần tiếp xúc với tôi thầy Lê Hưng Tiến luôn bộc bạch rằng; quan trọng nhất của người giáo viên khi đứng trên bục giảng dù là ở cấp học nào thì cũng cần truyền cho học sinh, sinh viên của mình sự đam mê. Không có nên phân biệt các môn học nào cả”. Lê Hưng Tiến là giáo viên Bộ môn âm nhạc-Mỹ thuật. Anh luôn tâm niệm; chính âm nhạc cũng là một môn học đặc biệt. Xưa nay, có người cứ nghĩ đó là môn học không cần thiết nhưng hoàn toàn không phải vậy. Nó sẽ bồi bổ thêm cho tâm hồn những học sinh, sinh viên tình yêu với cuộc sống và sự cân bằng trong cuộc sống và học tập. Trước xu thế mới, giáo dục đều hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người bao gồm “Đức - Trí - Thể - Mỹ”. Ở Việt Nam cùng với Mỹ thuật, Âm nhạc là môn nghệ thuật đã được đưa vào phổ thông từ lâu. Vậy nhưng, trước đây chỉ học sinh ở các thành phố phát triển mới có thể tiếp cận và được vận dụng môn học này nhưng gần 10 năm trở lại đây, giáo dục Âm nhạc đã được phổ cập trong toàn quốc, đã có vị trí như các môn học khác của chương trình giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở. Chính vậy nên, người giảng viên về âm nhạc càng có vai trò quan trọng hơn.
Thầy giáo Lê Hưng Tiến luôn đau đáu với đổi mới dạy học
Để truyền được đam mê cho các giáo viên tương lai về môn âm nhạc này, theo Lê Hưng Tiến thì không hề giản đơn. Giáo viên trong trường thường gọi đùa thầy Tiến là người “vì nghĩa diệt thân”. Đối với thầy, học trò chính là nguồn động lực vô giá. Thầy thuộc nằm lòng hoàn cảnh gia đình của từng em, hiểu rõ về tính cách, khả năng cảm thụ và tiếp thu bài giảng cũng như cách diễn đạt trong bài giảng vì chính những sinh viên này, tương lai sẽ là các giáo viên âm nhạc. Thầy tâm sự: “Muốn truyền đạt kiến thức tốt ở môn học đặc biệt thì phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của từng sinh viên. Tâm lý là điều quan trọng. Không chỉ nhạy bén nắm bắt tâm lý các sinh viên của mình mà Lê Hưng Tiến còn luôn tìm tòi, đổi mởi trong cách truyền dạy của mình. Thầy Tiến tâm sự; giảng viên Âm nhạc cần thay đổi phương pháp giảng dạy vận dụng với thực hành như đối với thanh nhạc, có thể đưa ra những tiết dạy về lý thuyết để giúp sinh viên nắm rõ những kỹ năng cơ bản và phương pháp tập luyện trước. Có thể cho theo phương pháp hát nhóm. Nhằm giúp các em có một kỹ năng cơ bản khi dựng một tiết mục của một chương trình. Những điều này vẫn được tôi đau đáu muốn truyền cho sinh viên. Những ý nghĩ về việc đổi mới của thầy Tiến chính là một nguồn động lực để các sinh viên âm nhạc hứng thú hơn với môn học đặc thù nhưng không mấy dễ dàng này.
Nhạc sỹ, nhà thơ trẻ nhiệt huyết
Thầy Lê Hưng Tiến (giữa) cùng học sinh của mình
Không chỉ là người “nhạc trưởng” hăng say trên bục giảng, Lê Hưng Tiến còn liên tục sáng táng thơ, viết các bài viết chuyên luận về văn học, về phương pháp dạy học văn…Hiện, Lê Hưng Tiến là một trong những nhạc sỹ trẻ đầy triển vọng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Nhiều tác phẩm âm nhạc của thầy Tiến cũng khá ấn tượng như; “Tôi sẽ là mùa thu”, “Bé hỏi về trăng”…Thầy Tiến bộc bạch rằng; mình dạy sinh viên phải liên tục sáng tạo, vì người học thì trước tiên mình cũng phải sáng tạo. Nghiên cứu và viết nhiều bài chuyên luận, mình thấy đôi khi người giảng viên âm nhác cũng gần giống như giảng viên tâm lý vậy. Nhiều sinh viên ở Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận còn thổ lộ với tôi rằng; Thầy Tiến còn thường tạo sức lôi cuốn cho bài giảng của mình bằng những lý giải các vấn đề khoa học về âm nhạc một cách đơn giản nhưng dễ hiểu. Cứ sau mỗi giờ trên bục giảng, Lê Hưng Tiến lại miệt mài rong ruổi tìm cảm hứng cho mình. Từ sự hòa quyện các vẻ đẹp từ trong cuộc sống với xúc cảm cá nhân, từng lời nhạc cứ thể ngân lên để rồi hoàn chỉnh thành những ca khúc ấn tượng. Cháy hết mình với đam mê âm nhạc nên đến nay, Lê Hưng Tiến đã xuất bản riêng cho mình nhiều tập ca khúc như; Xanh mãi cây đời (nhạc), NXB Thuận Hóa, 2002, Đề tặng một giấc mơ (nhạc), Hội Văn học Nghệ thuật Ninh thuận xuất bản, 2006… Luôn thường trực trong tâm thức tinh thần sáng tạo, tìm và khám phá cái mới nên song hành cùng âm nhạc, Lê Hưng Tiến bén duyên với thơ. Dòng thơ Tiến lựa chọn là hậu hiện đại với những kiến giải mới, những cách trình bày mới về các khía cạnh trọng cuộc sống. Sinh năm 1981 nhưng năm 2015, Lê Hưng Tiến đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều tác phẩm của anh đã bộc lộ mãnh mẽ cách biểu đạt mới như; Chân dung ảo (tập thơ), NXB Hội Nhà văn, 2007, Ễn lên đêm (tập trường ca), NXB Hội Nhà văn, 2011…
Thầy Lê Hưng Tiến (bên trái) cùng nhà thơ Inrasara trong hội thảo về âm nhạc và văn hóa Chăm
Xem người học là chủ thể
Luôn gần gũi sinh viên, học sinh. Dù là những học sinh yếu kém, nhưng với những chân tình của một người thầy, Lê Hưng Tiến đều “vực dậy” tinh thần ham học của các em. Gần gũi nhưng không suề xòa, danh giới thầy-trò vẫn được thầy Tiến vạch ra rõ ràng trong nhiều tình huống. Thầy Tiến bộc bạch; Môn âm nhạc THCS không nhằm mục đích đào tạo các em thành những ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chủ yếu thông qua môn học nhằm tác động vào thế giới tinh thần của các em, giúp các em có sự phát triển hài hoà, toàn diện về nhân cách. Qua môn học này học sinh có thể thấy được môn âm nhạc là một liều thuốc tinh thần, tạo sự hưng phấn trong học tập và cảm nhận được phần nào sự hấp dẫn của thế giới âm nhạc. Vậy nên, những giờ đứng lớp tôi vẫn kiểm tra rất gắt gao tinh thần chú ý vào việc tiếp thu các kiến thức môn học từ những sinh viên của mình. Với tâm niệm; “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Thầy tốt mới dạy trò ngoan” nên sau khi hoàn thành khóa cao học về âm nhạc, Lê Hưng Tiến tiếp tục đi làm nghiên cứu sinh về vấn đề âm nhạc dân tộc và vùng miền. Với anh, truyền dạy âm nhạc cho những sinh viên ở vùng đất mà có rất nhiều dân tộc Chăm như Ninh Thuận cũng cần hiểu về tâm lý và tính cách cũng như những bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc Chăm nữa. Trong nghiên cứu khoa học, thầy Tiến luôn tiên phong đi đầu về số lượng và chất lượng các bài báo khoa học cũng như tham gia các công trình khoa học. Tấm gương sáng từ thầy Tiến còn là đức tính ham mê đọc sách, ham mê nghiên cứu, khám phá những vấn đề mới. Thầy tận dụng mọi thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt hơn là thầy quan tâm và tận tình giúp đỡ các sinh viên cùng hăng say nghiên cứu và khám phá ra các vấn đề mới, không chỉ trong âm nhạc mà còn ở các môn học xã hội khác. Thầy động viên, định hướng, hướng dẫn cho từng sinh viên một cách tận tình. Nhiều sinh viên trong trường giãi bầy với tối rằng; Thầy Tiến đã làm thay đổi hẳn nhận thức trong nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong trường này. Trước đây có người xem nhẹ môn học âm nhạc nhưng với sự lý giải của thầy Tiến thì ý nghĩ ấy không còn tồn tại nữa.