Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người góp phần xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị là chiến trường khốc liệt đã ghi dấu những chiến tích vang dội, với những địa danh vang vọng muôn đời như: Đường 9, Khe Sanh, Thành Cổ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Thạch Hãn... Để làm nên những chiến công lẫy lừng ấy, hàng vạn người con ưu tú của khắp mọi miền đất nước đã mãi mãi nằm lại mảnh đất huyền thoại này. Cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trong mỗi trái tim của người dân cả nước khi nhắc đến Quảng Trị, một địa danh có tới 72 nghĩa trang, với hơn 60.000 mộ liệt sĩ.

Ông Nguyễn Minh Hoàn.

1.  Năm 1997, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ (NĐTTNLS) tỉnh Quảng Trị được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đây là một đơn vị hoạt động mang tính đặc thù, bởi nó không đơn thuần là một nhà khách (chỉ phục vụ khách lưu trú), mà trên hết nó chính là nơi  tri ân, gắn kết nghĩa tình sâu nặng giữa các thân nhân liệt sĩ với người dân Quảng Trị thời hậu chiến. “Tiếng lành đồn xa”, trước khi đến Quảng Trị, tôi  đã được nghe rất nhiều chuyện kể về những việc làm, sự tri ân đầy tâm huyết, đầy nghĩa tình và thiết thực của lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên đối với từng thân nhân liệt sĩ khi đến lưu trú tại NĐTTNLS.

Trong đó, người được nhắc đến nhiều nhất, trân quý nhất, cảm phục nhất là ông Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc NĐTTNLS. Một thân nhân liệt sĩ kể rằng, mới đây trong một lần đến NĐTTNLS Quảng Trị, anh đã vô cùng cảm kích, xúc động khi được Giám đốc Nguyễn Minh Hoàn tiếp hơn 3 giờ đồng kiên trì, nhẫn nại cố gắng tìm kiếm thông tin liệt sĩ mà anh nhờ. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn những trường hợp, những việc làm tri ân đầy nghĩa tình của ông Nguyễn Minh Hoàn đối với từng cảnh ngộ, từng số phận của những thân nhân liệt sĩ khi đến Quảng Trị trong suốt nhiều năm qua. Ông chính là người đã góp rất nhiều tâm huyết, thời gian, công sức để tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ. Bằng tất cả lòng nhiệt thành và cái tâm của người làm công tác đền ơn đáp nghĩa, ông là người đã góp phần xoa dịu nỗi đau của hàng vạn thân nhân khi đến Quảng Trị thắp nhang tri ân, tìm mộ, di dời mộ liệt sĩ.

Ông Nguyễn Minh Hoàn tiếp đón thân nhân liệt sĩ.

 Trò chuyện với tôi, ông nhớ lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước, rất nhiều thân nhân liệt sĩ từ nhiều vùng miền trong cả nước đã đến Quảng Trị để tìm kiếm, thăm viếng phần mộ liệt sĩ. Những năm tháng ấy, điều kiện lưu trú và phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn vất vả, nhiều thân nhân liệt sĩ phải ngủ, nghỉ trong các nhà trọ ở bến xe, ga tàu, nhà dân và khi đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều thân nhân phải di chuyển bằng đủ các phương tiện như thuê xe thồ, xe đạp, xe ôm. Từ khi NĐTNTLS được thành lập, đi vào hoạt động, thực trạng ấy đã dần được khắc phục. Ông  Nguyễn Minh Hoàn luôn trăn trở, tâm niệm phải nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để làm sao phục vụ tốt nhất, chu đáo nhất đối từng hoàn cảnh, số phận của từng thân nhân liệt sĩ khi đến thăm viếng, tìm mộ, di dời mộ liệt sĩ trong 72 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Minh Hoàn cho biết, nhiệm vụ của đơn vị là đón tiếp lo ăn nghỉ, đưa đón thân nhân liệt sĩ đi các nghĩa trang thăm viếng, tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ di dời về quê, thanh toán chế độ chính sách, hỗ trợ kinh phí tiền tàu, xe, ăn uống dọc đường khi đi về. Hàng năm đơn vị đón tiếp khoảng 10.000 lượt thân nhân, đặc biệt vào những năm chẵn kỷ niệm những ngày lễ lớn, số thân nhân từ 15.000 đến 16.000 lượt người. Thân nhân liệt sĩ đến Quảng Trị đông nhất vào các tháng 4, 6, 7, 11 và 12 trong năm, cao điểm là tháng 7 hàng năm, bình quân đơn vị đón tiếp, phục vụ từ 600 – 700 lượt người/ngày. Ngoài ra hàng năm, đơn vị còn đón tiếp rất nhiều đoàn khách của ngành LĐ –TB&XH, đoàn người có công với nước, các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường Quảng Trị đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

2. Không chỉ chu đáo về mặt đón tiếp, chăm lo nơi ăn nghỉ, sự đi lại thăm viếng, tìm kiếm, di dời mộ liệt sĩ cho từng đối tượng thân nhân khi đến Quảng Trị. Bản thân ông Nguyễn Minh Hoàn, hàng năm còn trực tiếp tra cứu, trả lời cho thân nhân về thông tin mộ liệt sĩ từ 1.800 – 2.000 cuộc và khoảng 200 thư từ. Ông tâm niệm, đối với các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ, đây là sự tri ân thiết thực nhất.

Ông Nguyễn Minh Hoàn đang hướng dẫn thân nhân liệt sĩ về thông tin, vị trí mộ liệt sĩ trên sơ đồ.

Để làm tốt việc này, không đơn giản chỉ đòi hỏi về sự hy sinh thời gian, công sức, mà phải thực sự là người có tâm huyết. Trong quá trình tư vấn cho thân nhân tìm kiếm thông tin của liệt sĩ, người làm công việc này phải tìm hiểu, nghiên cứu qua nhiều kênh, như: Liên hệ với các đơn vị quân đội trước đây, các cựu chiến binh, sử sách của các đơn vị quân đội, từ những trận đánh trong chiến tranh, để tư vấn cho thân nhân cách tìm hài cốt ở nơi hy sinh của liệt sĩ. Ông cho biết, từ năm 2013, khi Bộ Quốc phòng tập trung giải mã và cung cấp thông tin nơi hy sinh của liệt sĩ, NĐTTNLS tỉnh Quảng Trị thực hiện việc tư vấn này cũng đỡ vất hơn và hiệu quả cũng cao hơn.

Tâm huyết nhất của ông hiện nay chính là Đề án “Điều tra, bổ sung, điều chỉnh khoảng hơn 4.000 liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoặc sai lệch thông tin tại các nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị”. Đề án mang tính nhân văn, đầy nghĩa tình về sự tri ân này, nhằm mục đích bổ sung, chỉnh sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ, mà trước đây chưa có nơi nào làm. Theo ông từ trước tới giờ, trong danh sách quản lý mộ liệt sĩ ở 72 nghĩa trang của Quảng Trị, có nhiều liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông tin chưa đầy đủ như sai quê quán, nhiều liệt sĩ chỉ biết tên chưa biết họ, nhiều thông tin khác không có, hoặc rất ít. Qua điều tra, hiện có trên 4000 trường hợp liệt sĩ ở 72 nghĩa trang tại Quảng Trị còn sai sót, thiếu thông tin. Những sai sót này, theo ông có thể do các đơn vị quân đội trước đây trong quá trình mai táng, bàn giao, quy tập chưa nắm rõ hết thông tin về liệt sĩ. Chính đây là lý do vì sao nhiều phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang Quảng Trị, suốt hàng chục năm qua chưa có thân nhân đến thăm viếng. Đó cũng chính là thực trạng khiến ông luôn đau đáu, day dứt, trăn trở tìm nhiều giải pháp để khắc phục, với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân, tri ân cùng những liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị.

Một góc NĐTTNLS Quảng Trị.

Những năm qua, ông đã công phu tiến hành điều tra, chụp ảnh, lập danh sách về tình trạng thực tế trên bia mộ, sau đó trình đề nghị Sở LĐ - TB&XH Quảng Trị gửi thông báo cho thân nhân ở địa phương và ngành LĐ - TB&XH các tỉnh, thành trong cả nước biết để bổ sung, điều chỉnh thông tin. Đối với những trường hợp không có quê quán, hoặc chỉ có phiên hiệu đơn vị chiến đấu trước đây, ông đã trực tiếp lặn lội về tận địa phương, hoặc đơn vị quân đội mà trước đây liệt sĩ có hồ sơ ở đó để đối chiếu, xác minh. Sau khi đã củng cố được hồ sơ, thông tin đầy đủ, mới thông báo cho Sở LĐ - TB&XH các tỉnh, thành để thông tin lại cho thân nhân liệt sĩ và làm đúng quy trình của Nhà nước quy định. Đây là một đề án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy tâm huyết nghĩa tình của ông để tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ. Ông nói: “Hy vọng năm 2016, Sở LĐ - TB&XH Quảng Trị và Bộ LĐ - TB&XH sẽ chấp nhận cho triển khai đề án này, để Quảng Trị được tri ân, góp phần xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến”.