Những tấm ảnh đẫm đầy sóng biển
Trong quán cà phê giành riêng cho nghệ sĩ ở Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh số 14 Alexandre de Rhodes phường Bến Nghé, quận 1, có một người đàn ông trạc tuổi 50, râu quai nón ngày nào cũng thu mình lặng lẽ một góc miệt mài bên máy tính với ly trà đá. Chỉ nhìn thôi cũng biết đó là nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ gì thì không thể đoán được. Tôi chủ động làm quen trong sự tò mò.
Sau cái bắt tay hồ hởi đầy chất nghệ sĩ, anh giới thiệu tên Hoàng Chí Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh. Thấy tôi mặc quân phục hải quân, anh bảo: “Mình trước cũng là lính. Mình đến Trường Sa bốn lần nhưng vẫn muốn đi. Ra Trường Sa, khâm phục những người lính bao nhiêu thì càng yêu Tổ quốc mình bấy nhiêu”. Câu chuyện của chúng tôi trở nên thân tình hơn khi cả hai đều là lính. Chỉ khác, anh Hùng giờ là “lính xung kích trên mặt trận tư tưởng tuyên truyền”, còn tôi vẫn khoác áo quân ngũ. Anh Hùng kể, anh đã đặt chân đến “hang cùng ngõ hẻm” của 64 tỉnh, thành trên cả nước và hiện đang lưu giữ trên 500.000 bức ảnh về con người, địa danh trên tất cả các vùng miền, song gần 5.000 tấm ảnh chụp được trong bốn lần đến Trường Sa là tài sản đặc biệt nhất. “Trong mỗi bức ảnh về đất Trường Sa và chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đều thấm đẫm mồ hôi, mặn mòi sóng biển. Đó là máu thịt, là niềm kiêu hãnh trong đời nhiếp ảnh của tôi”, anh Hùng tự hào khoe.
“Canh cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca”, triển lãm ảnh tại Thủ đô năm 2012.
Lần đầu tiên anh Hùng đến Trường Sa đúng ngày 9/6/2011 - ngày Trung Quốc ngang ngược cho tàu cắt cáp tàu Vi-kinh 2 của ta đang thăm dò dầu khí trên thềm lục địa phía Nam. Lúc đó tại Cảng Cát Lái, Lữ đoàn 125 Hải quân trong khi có người trở về vì do dự, thì anh lại hào hứng. “Lúc đó mình nghĩ đi Trường Sa là hạnh phúc lắm rồi, có chết thì chết cho Tổ quốc, chết ở Trường Sa thì ngại gì”, anh Hùng chia sẻ. Đứng trên cầu cảng Cát Lái, hướng máy ảnh về phía boong tàu, anh bấm liền 4 kiểu về ba chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi chuyển va ly đồ đạc giúp đoàn công tác vào các phòng khách. Đó là tấm ảnh đầu tiên chụp về Hải quân Việt Nam, về người lính mặc áo vằn cánh sóng.
Đêm đầu tiên trên con tàu hướng Trường Sa thẳng tiến, trong khi mọi người tập trung ở boong giữa của tàu vui văn nghệ, kể chuyện biển đảo, thì anh lặng lẽ vác máy ảnh đứng trước mũi tàu. Nhìn về phía Trường Sa, anh trào nước mắt. “Lúc đó cảm xúc trong tôi dâng tràn. Tôi hình dung ra Trường Sa trong biển đêm có những người lính đang bồng súng đứng gác nơi mũi sóng; tốp lính khác đang đi tuần tra quanh đảo. Tôi quay lại, bất chợt nhìn thấy một chiến sĩ đang ôm súng đứng gác trên phía ca bin. Lúc đó tôi đã khóc. Bởi tôi hiểu, người lính kia đang canh gác bình yên cho con tàu và đoàn công tác vui văn nghệ”, anh Hùng hồi tưởng lại.
Sau ba ngày đêm hành trình, tàu đến đảo Trường Sa Lớn. Thêm một lần nữa, chàng nhiếp ảnh tay cầm máy mà lòng run lên vì xúc động trước vẻ đẹp lạ kỳ của biển cả. Trong khi mọi người chuyển đồ, thì anh đã có mặt trên cầu cảng. Tất cả sóng biển, con tàu người lính Trường Sa đều được anh ghi lại một cách chân thực và sống động nhất. Và lần đi đảo đầu tiên này, anh đã chụp hơn một ngàn tấm ảnh với ngần ấy góc độ sống động khác nhau. “Xúc động nhất là lần đến đảo Sơn Ca. Nhìn chiến sĩ đang treo súng trước ngực đứng canh cột mốc chủ quyền, tôi không kìm được cảm xúc. Đôi mắt cương trực, gương mặt cương nghị của người lính ấy, tôi hiểu họ đang thầm lặng dâng hiến tuổi xuân cho biển đảo. Chiến sĩ trong ảnh đó là Nguyễn Văn Thắng quê gốc ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Tấm ảnh ấy đã trở thành kỷ vật thiêng liêng trong đời chụp ảnh của tôi”- anh Hùng chia sẻ.
Sóng Song Tử Tây. Ảnh: C.Hùng
Thông điệp biển đảo Việt Nam từ những khung hình
Trên 500.000 tấm ảnh ghi lại đất nước, con người Việt Nam qua 14 năm cầm máy của nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng, có gần 5.000 bức ảnh chuyên biệt về Trường Sa. 8 lần triển lãm ảnh là 8 lần đem đến cho hàng triệu khán giả Việt Nam và người nước ngoài những bức ảnh khắc họa chân thực, sâu sắc, sống động nhất về đất nước và người Việt qua các vùng miền, song gây cảm xúc và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ nhất là lần triển lãm ảnh “Trường Sa Tổ quốc nơi đầu sóng” tại Thủ đô Hà Nội ngày 12/12/1012. Gần 5.000 tấm ảnh là ngần ấy góc nhìn sinh động về đảo và tình quân dân Trường Sa. Tất cả những tấm ảnh từ bia chủ quyền, triền cát, chim muông, cá biển, cỏ cây, âu tàu, đèn biển, đến chủ nhân của đảo là những người lính can trường thầm lặng hi sinh... dấy lên thông điệp: Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những người lính Trường Sa đang thầm lặng hi sinh nhưng tự hào kiêu hãnh được bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc mình. Cuộc triển lãm ấy đã khiến bao người dân Thủ đô rơi nước mắt. Có thanh niên Thủ đô đã viết đơn tình nguyện đi Trường Sa làm nhiệm vụ sau khi xem những bức ảnh của anh. Nhiều thanh niên Hà Thành đã thay đổi cách sống từ vị kỷ sang có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Và không ít sinh viên Hà Nội đã làm đồ án tốt nghiệp về Trường Sa và những người lính canh biển, đảo Tổ quốc.
Chia sẻ cảm xúc về những tấm hình mang dáng hình Tổ quốc, Hoàng Chí Hùng nói: “Tôi muốn đem đến cho người Việt Nam và bạn bè thế giới về một Trường Sa thiêng liêng của người Việt. Ở đó là những người lính trẻ mà trên vai họ là Tổ quốc. Nhân loại cần biết đến Trường Sa là mảnh đất không tách rời của Tổ quốc Việt Nam, là niềm tự hào kiêu hãnh của những người lính biển”.