Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người lính "Bluose trắng" nặng lòng với Tây Nguyên

Những năm bom đạn ác liệt nhất của chiến tranh, Đại tá, Bác sĩ Quân y Nguyễn Văn Hòa đã rời thủ đô Hà Nội có mặt kịp thời trong các chiến dịch lớn ở mặt trận B3 (quân đoàn 3 Tây Nguyên) cứu chữa thương binh.

Là bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y dược Hà Nội, được đào tạo bài bản và chuyên sâu về lĩnh vực y khoa, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa được xem là “bàn tay vàng” của bệnh viện tiền phương. Với các công cụ thô sơ giữa rừng, ông đã trực tiếp mổ thương, dành sự sống cho hàng trăm thương binh.

Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa

Những năm 1967- 1968, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra quyết liệt, mà tình hình thuốc men và vật dụng y tế thiếu thốn trầm trọng, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa được giao nhiệm vụ gặp ông Russi. Ông này là người Pháp, chủ đồn điền cà phê được Mỹ hậu thuẫn. Với khả năng nói tiếng Pháp lưu loát, bác sĩ Hòa thực hiện biện pháp địch vận khôn khéo đã lấy được tình cảm của Russi. Ông ta điều xe chở thuốc đến giao cho bệnh viện của ta và nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ cách mạng. Nhờ số thuốc cung ứng kịp thời, cuộc chiến giảm thiểu nhiều tổn thất.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (bên phải) thực hiện ca phẫu thuật thương binh năm 1968

Vừa làm công tác địch vận, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa vừa chịu trách nhiệm đào tạo, huấn luyện cấp tốc cho y, bác sĩ mới ra nghề. Năm 1969, trong một trận càn của địch tại căn cứ H2 (Buôn Hồ), chiến sĩ Hoàng Thị Lan Vinh bị trúng bom, chấn thương sọ não, gãy tay. Bác sĩ Hòa tiến hành mổ sọ não cho Lan Vinh. Ca mổ diễn ra trong vòng ba tiếng giữa rừng, trong sự gào thét của bom đạn.

Một trận khác, chiến sĩ Y Nhân bị trúng bom dập nát bàn chân, vỡ xương ống chân. Thay vì phải cắt bỏ chân, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa đã phẫu thuật nối xương và giữ lại được bàn chân cho Y Nhân. Năm 1969, bệnh viện tiền phương bị địch đánh úp, bác sĩ Hòa bị thương ở đầu, ngực, chân, bị thất lạc trong rừng. Suốt 7 ngày, ông chỉ ăn rau rừng, uống nước suối cầm cự. Tối đến thì trèo lên cây ngủ để tránh hổ vồ. Ngày đồng đội tìm thấy ông cũng là ngày ông kiệt sức bởi đói khát và thương tật.

Sau ngày đất nước giải phóng, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa tình nguyện ở lại Tây Nguyên cống hiến sức lựcc và trí tuệ của mình cho ngành y tế tỉnh Đắk Lắk. Ông tiếp tục đào tạo nhiều lớp cán bộ y tế vừa hồng vừa chuyên, đủ năng lực phục sự nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa và đồng đội cũ

Những ngày nghỉ hưu, ông thường xuyên đi khám chữa bệnh miễn phí cho đồng đội và những người nghèo khó. Trên cương vị Trưởng ban liên lạc B3 (Quân đoàn 3 Tây Nguyên), Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa luôn đau đáu, trăn trở tìm về nguồn. Năm nào ông cũng đứng ra tổ chức cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa, tìm hài cốt liệt sĩ. 80 tuổi đời, 50 năm gắn bó với Tây Nguyên, ông lưu giữ đầy đủ tư liệu về những trận đánh năm xưa, giúp nhiều gia đình tìm được thân nhân sau nhiều năm thất lạc.