Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người lính trong văn học thời hậu chiến

Người lính là một đề tài cốt lõi, giữ vị trí hàng đầu và giàu ý nghĩa trong văn học Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỉ XX. Sự ra đời của hình tượng người lính gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Hình tượng nghệ thuật này đặc biệt nổi bật như một kiểu nhân vật của thời đại mới với sự hình thành của một mẫu người văn hóa mới - người chiến sĩ cách mạng, với kiểu tác giả mới - nhà văn chiến sĩ.

 

Chiến sĩ lái xe trời chống Mỹ.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hình tượng người lính được khám phá, đánh giá và miêu tả từ cái nhìn sử thi. Thế giới sử thi là thế giới của cái cao cả, của những đỉnh cao lịch sử, thế giới của những người anh hùng, làm chủ và sáng tạo ra lịch sử. Thời đại sử thi là thời đại sáng tạo ra các truyền thuyết về dân tộc. Chân dung người lính trong thời đại sử thi đầy tính quy phạm, đời sống của nó không tách rời các sự kiện lớn của dân tộc, thế giới tinh thần của nó bị thu hẹp vào những lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Mọi người lính gần như chỉ có một phẩm chất: kiên trung, bất khuất, lạc quan, không tiếc đời mình sẵn sàng hy sinh tình riêng cho lý tưởng cao đẹp. Tầm vóc của người lính là tầm vóc thời đại, dân tộc, cộng đồng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước chuyển sang thời bình, và bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, đây cũng là giai đoạn nhà văn có điều kiện nhận thức lại hiện thực chiến tranh và người lính, khắc phục cái nhìn phiến diện, đơn giản, gò bó như giai đoạn trước. Trong văn học hậu chiến, người lính được miêu tả, lý giải chủ yếu từ phương diện đời thường, đời tư, suồng sã, thân mật,… tức từ cái nhìn tiểu thuyết. Với cái nhìn mới, người lính hiện ra sinh động hơn, chân thật hơn, có chiều sâu tâm lý hơn. Người lính trong văn học hậu chiến là người lính khác, cũng như chiến tranh trong văn học sau chiến tranh được tái diễn giải với rất nhiều sự thật khác.

 

Người lính trong Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp) cảm thấy bị lạc lõng, không hòa nhập được với cuộc sống đời thường. Vì sao? Môi trường của người lính là chiến trường, chức năng của nó là tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về hưu và đất nước chuyển sang thời bình tức là cái môi trường để nó thực hành chức năng không còn nữa, người lính hiện diện trong cuộc sống như một người thừa, thay vì là một anh hùng nâng đỡ gia đình, vị tướng về hưu trở thành người làm đảo lộn cuộc sống gia đình của chính mình, trở thành nhân chứng bất đắc dĩ trước sự khủng hoảng đạo đức xã hội thời hậu chiến. Tướng về hưu là một trong những tác phẩm dữ dội nhất về người lính hậu chiến, nó động chạm đến cái quy luật cay đắng “cao điểu tận, lương cung tàn…”  Nếu Tướng về hưu đánh bật người lính khỏi môi trường của nó thì Nỗi buồn chiến tranh lại đưa người lính trở lại với không gian chiến tranh (Bảo Ninh).

 

Người lính trong Nỗi buồn chiến tranh tái nhận thức chiến tranh, dựng lại khuôn mặt chân thực của chiến tranh, và kiến tạo một chân dung khác về người lính. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh vừa trở thành một dòng chảy ký ức đeo bám đầy nghịch lý, một dòng hồi tưởng trĩu nặng những day dứt, tự vấn của người lính về những tháng năm chiến trận, vừa trở thành tiếng nói phản tỉnh về chiến tranh và thân phận con người trong cái cỗ máy khắc nghiệt ấy. Người lính trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) chung hướng nhìn với Nỗi buồn chiến tranh, cả hai tác phẩm đều thể hiện những suy ngẫm về cuộc chiến đã qua, không đơn giản hóa chiến tranh, nhưng tư tưởng của Ăn mày dĩ vãng khác hẳn.

Một đằng định nghĩa lại cuộc chiến và người lính theo một cảm quan khác với ngôn ngữ diễn giải quan phương, một đằng tiếp tục khẳng định “tính tất yếu và chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ” (Hữu Thỉnh), gióng lên tiếng nói cảnh tỉnh không được phép lãng quên quá khứ, “đừng xử tệ với những người đã hy sinh trong quá khứ!" (Cao Tiến Lê). Ăn mày dĩ vãng trong khi tái hiện chiến tranh từ điểm nhìn hiện tại cũng đã phản ánh sâu sắc sự tha hóa, biến chất của con người hậu chiến, về mặt này nó gặp gỡ với Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Khác với khuynh hướng  miêu tả tình yêu lãng mạn đẹp đẽ, Thời xa vắng (Lê Lựu) lại mô tả bi kịch hôn nhân của người nông dân mặc áo lính Giang Minh Sài, một người lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, trở thành anh hùng nhưng đời sống gia đình thì luôn thất bại; trong thời chiến anh nhập vào cuộc sống tập thể phủ nhận cá nhân, sống chiều theo dư luận, tự đánh mất mình, sang thời bình anh tự khẳng định mình nhưng cũng không thể hòa nhập được với cuộc sống thị thành… bởi vì đối với anh từ không gian thời chiến sang thời bình là đi từ cực đoan này đến cực đoan khác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội Trường Sơn               (ảnh tư liệu).

Nhìn chung, đến thập niên 80, 90, người lính trong văn học hiện ra với một diện mạo hoàn toàn khác trước. Bên cạnh cảm quan sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, văn học hậu chiến đã miêu tả người lính qua nhãn quan tiểu thuyết và trong trạng thái thời bình. Từ độ lùi thời gian, tính cách, số phận của người lính được các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Chu Lai… nhận thức sâu hơn, được soi chiếu nhiều chiều và được đặt trong nhiều tình huống nhân sinh phức tạp, chân thực.  Bởi thế, thay vì khắc họa con người cộng đồng, con người công dân, con người dân tộc, đại diện cho một thế hệ dấn thân, cho khí phách và phẩm chất của con người Việt Nam trong cuộc cứu nước vĩ đại, văn học hậu chiến đem lại cho chúng ta một kiểu người lính đa diện, người hơn, có phẩm chất nhân loại rõ nét hơn. “Trước 1975, hình tượng người lính là những người giàu chất lý tưởng, hầu như không có những mâu thuẫn xung đột nội tâm. Sau chiến tranh, hình tượng người lính được nhìn nhận lại với nhiều điểm mới, mà rõ nét nhất là sự “vênh lệch” giữa phẩm chất người lính, người anh hùng thời chiến trước đây với những ứng xử của họ trong cuộc sống đời thường, trong các mối quan hệ riêng tư…. Những người lính trước đây được khắc họa là những người “làm chủ hoàn cảnh”, có khả năng khắc phục mọi trở ngại để đạt được mục tiêu, lý tưởng, thì, nói một cách khái quát, người lính sau chiến tranh chịu sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh, tác động đến số phận và tính cách của con người họ. Đó chính là tinh thần nhân văn, nhân bản trong các sáng tác của các nhà văn viết về người lính sau chiến tranh, người lính thời bình” -(Nguyễn Đức Thuận).