Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ

(Dân sinh) - Là người dân tộc Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ, trở thành nhà dân tộc học, với 40 năm tâm huyết sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của các dân tộc ít người, ông Lò Giàng Páo đã có nhiều công trình được công bố, xuất bản tạo được dấu ấn và tiếng vang trong nước và quốc tế. Trong đó có công trình luận văn tiến sĩ khoa học lịch sử (chuyên ngành Dân tộc học) về đề tài “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” mở ra hướng mới trong nghiên cứu về trống đồng dưới góc độ dân tộc học.

Sưu tầm văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô

Lò Giàng Páo sinh năm 1956 trong gia đình bần nông, có bố là cán bộ. Hồi ấy, ở vùng cao nguyên đá Sảng Pả người dân không mặn mà với cái chữ lắm, nên việc Páo đi học như một "hiện tượng" của bản. Ngày ấy, Lò Giàng Páo không những phải vượt qua đói nghèo, thiếu thốn, biết bao cung đường núi rừng hiểm trở, mà còn phải vượt qua chính những hủ tục đã ăn sâu trong máu của người dân quê nhà để đến trường. Nhưng, với tâm lý được đi học là thoát khỏi cái "âm u tù hãm" ở quê, Lò Giàng Páo quyết tâm rèn luyện, sau đó lên tỉnh học rồi tiếp tục học ở trường dành cho học sinh vùng cao Khu tự trị Việt Bắc, tại tỉnh Thái Nguyên. Và để có học vị tiến sĩ, trở thành nhà khoa học uy tín như ngày nay, Lò Giàng Páo đã phải trải qua những năm tháng phấn đấu gian nan nhưng đáng khâm phục.

Người Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ - Ảnh 1.

TS Lò Giàng Páo.

Năm 1981, ngay sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử (chuyên ngành Dân tộc học) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia), Lò Giàng Páo may mắn được phân công về công tác tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Được làm việc đúng ngành học ở một môi trường thuận lợi thật là lý tưởng. Lò Giàng Páo nhanh chóng phát huy được sở trường của mình. Những năm tháng thời bao cấp tuy nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, để lên tới Mèo Vạc (Hà Giang) phải mất vài ngày đường, nhưng với niềm đam mê và tình yêu văn hóa dân gian của dân tộc mình, Lò Giàng Páo vẫn nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiều chuyến đi điền dã, ghi chép công phu hàng loạt câu chuyện cổ của dân tộc Lô Lô được lưu truyền trong dân gian. Kết quả của những chuyến đi đó và công phu biên dịch là tập sách đầu tay "Truyện cổ Lô Lô" 200 trang được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in, phát hành vào năm 1983. Ngay sau khi phát hành tập truyện đã tạo được dấu ấn và tiếng vang, được tái bản nhiều lần, là một đóng góp đáng kể của ông trong quá trình sưu tầm, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Người Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ - Ảnh 2.

Tác phẩm nghiên cứu của TS Lò Giàng Páo.

Nói về tập "Truyện cổ Lô Lô", TS Lò Giàng Páo cho biết: "Từ nhỏ tôi đã may mắn được nghe các cụ kể rất nhiều những câu chuyện cổ ly kỳ hấp dẫn đậm chất nhân văn truyền miệng trong dân gian. Sau này, khi về công tác tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong những chuyến đi điền dã trở về quê hương Mèo Vạc (Hà Giang), tôi đã dành thời sưu tầm, ghi chép lại và biên soạn thành cuốn truyện đó. Tôi coi đây là sự đóng góp nho nhỏ cho kho tàng văn hóa các dân tộc, đặc biệt là đồng bào mình".

Thành công ban đầu của tập "Truyện cổ Lô Lô" như một cú hích khích lệ khiến ông tự tin hơn và bắt đầu dành thời gian, tâm sức đi sâu vào nghiên cứu để hoàn thành luận văn tiến sĩ về đề tài "Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang" dưới góc độ dân tộc học. Bằng những tư liệu thực tế công phu phong phú và luận cứ khoa học có tính phát hiện đầy thuyết phục đã bảo vệ thành công luận văn, trở thành người Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ vào năm 1995. Đóng góp đáng kể nhất của tiến sĩ Lò Giàng Páo là mở ra một hướng mới trong nghiên cứu về trống đồng dưới góc độ dân tộc học. Bản luận văn thực sự là một công trình khoa học tạo được tiếng vang trong nước và ở nhiều hội nghị quốc tế về trống đồng. Đó là một tổng quan về tình hình nghiên cứu trống đồng ở Việt Nam; quan điểm nghiên cứu trống đồng trên thế giới và Đông Nam Á; quan điểm về phân loại trống đồng của các học giả Trung Quốc và Việt Nam; quan điểm phân loại của các tác giả theo góc độ dân tộc học, quan điểm và nguồn gốc trống đực, trống cái và công dụng của trống đồng trong đời sống tâm linh của người Lô Lô, các truyền thuyết của người Lô Lô liên quan đến trống đồng…

Bảo tồn văn hóa các dân tộc

Một thời gian dài dù ở những cương vị công tác khác nhau, nhưng tiến sĩ Lò Giàng Páo luôn dành nhiều thời gian dày công nghiên cứu công trình khoa học một cách có hệ thống, công phu của dân tộc Lô Lô và nhiều dân tộc anh em khác từ vùng núi phía Bắc, tới miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Người Lô Lô đầu tiên có học vị tiến sĩ - Ảnh 3.

TS Lò Giàng Páo bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ.

Đó là các công trình khoa học: "Trống đồng Lô Lô", "Lễ Bàn Vương của người Dao ở Hà Giang"; "Công dụng của trống đồng người Lô Lô ở Việt Nam"; "Mối quan hệ ngôn ngữ Lô Lô Việt Nam và ngôn ngữ người Di Trung Quốc; "Phát hiện chữ viết cổ của người Lô Lô ở Việt Nam"; "Mối quan hệ người Dao Trung Quốc và Việt Nam"; "Quan niệm về nguồn gốc người Choang Trung Quốc và người Tày - Nùng Việt Nam"; "Sự đa dạng của văn hóa Khmer vùng hạ lưu sông Me Kong Việt Nam"… Tất cả các công trình nghiên cứu kể trên của ông khi trình bày tại các hội nghị quốc tế tổ chức ở các tỉnh, thành như: Nam Ninh, Quý Châu, Vân Nam (Trung Quốc) được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao về chất lượng, giá trị khoa học lịch sử dưới góc độ văn hóa, dân tộc học.

Ngoài những công trình nghiên cứu khoa học kể trên, tiến sĩ Lò Giàng Páo còn xuất bản nhiều tập sách sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu giới thiệu về đặc điểm văn hóa, đặc điểm tộc người, hình thái kinh tế, xã hội được đánh giá cao. Đó là những cuốn: "Tìm hiểu văn hóa vùng các dân tộc Việt Nam" (1997); "Hoa văn trên trống đồng" (2007); "Trường ca Lô Mi Pho" (2002); "Trở về nguồn" (2006); "Dân ca trong lễ hội của người Lô Lô" (2004)… là những tác phẩm được giải Nhì, giải Ba của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Với uy tín của mình trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc, năm 1998, ông Lò Giàng Páo được kết nạp vào Hội Khoa học Công nghệ quốc tế về Dân tộc tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đó đến nay, các cuộc hội thảo quốc tế về dân tộc, ông đều được mời đi dự và trình bày tham luận. Đó là dịp để ông có cơ hội được giới thiệu với các nhà khoa học quốc tế hiểu thêm về văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, đậm đà bản sắc.

Năm 2010, ông được Đại học Dân tộc Quảng Tây phong học hàm Giáo sư danh dự. Hằng năm, ông vẫn sang giảng bài tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, một số viện nghiên cứu ở Quảng Tây và một vài địa phương khác ở Trung Quốc như: Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam...

Năm 2016, sau khi nghỉ hưu ông lại bận rộn với những chuyến đi đến những vùng dân tộc thiểu số; hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, bởi ông vẫn giữ cương vị là Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Để ghi nhận những cống hiến của tiến sĩ Lò Giàng Páo trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc, ông đã vinh dự được tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức và được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.