Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người mê làm ngựa đất

Ở phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) ông Nguyễn Quang Toản nổi tiếng với nghề làm ngựa đất nhiều năm nay với nhiều bí quyết khá độc đáo.

Sản phẩm tâm linh

Ông Toản cho biết, lúc đầu ông không nghĩ đời mình sẽ gắn liền với nghề này nhưng cứ làm rồi thấy mê. Để có một con ngựa đất phải làm đẩy đủ các bộ phận, hai mảnh của thân con ngựa, tám mảnh của bốn chân ngựa, hai mảnh của cái đuôi, một mảnh của cái đế. Phương pháp để gắn kết 13 mảnh lại với nhau là mài bề mặt bằng một chút nước ẩm rớt lên trên nền nhà. Mài nhiều lần, trước khi mài đều phải nắn lại các chỗ nối cho có điểm tựa để mài ướt chỗ kết nối. Cuối cùng là đem vào lò nung, mỗi lần nung 200 con ngựa đất. Khi đem vào lò nung, dù không hề có thiết bị đo nhiệt độ, nhưng ông Toản vẫn có thể ước chừng được 2 tiếng là có thể cho ra lò.

Theo kinh nghiệm nhiều năm của ông, khi nhìn thấy làn khói có quần đen bốc lên, khói đặc, là lúc thích hợp nhất để làm ngựa có dáng và da đẹp nhất. Khi ấy nhiệt độ có thể đã đạt đến 500 độ C.  Nếu để muộn hơn, sẽ có hiện tượng quẹo đất, ngựa sẽ bị biến dạng, màu sơn sẽ không đẹp nữa.

Khâu quan trọng không kém của việc tạo ngựa đất là khuôn đúc. Khuôn thường được ông Toản tự tạo nên nhờ chính bàn tay của mình, cũng làm từ đất, nhưng được nung dày thân để tạo độ cứng và độ ép dáng ngựa. Bên trong khuôn đúc có vẽ hoa văn mình ngựa, làm nên bờm, mắt, chân ngựa, dáng ngựa... Ngựa sau khi nung xong, nhất định phải dùng sơn bạch tuyết mới có thể đáp ứng được nhu cầu hấp thụ nước rất lớn của đất sét. Ngựa nung có hai màu chính là hồng và trắng.

Đúc ngựa đất liên quan đến việc thờ cúng người đã khuất nên những người thợ như ông Toản luôn cẩn thận. Tất cả các phần của ngựa, được bàn tay tỉ mẩn của ông chăm chút và kĩ lưỡng đến từng chút.

Ông Toản bật mí "Khi chế tác ngựa đất, có nhiều điều cần chú ý. Không nên phơi khô ngựa quá, cũng không để đất khô lâu, dễ bị nứt. Khi tạo thể kép cho thân ngựa, phải cẩn thận để cân bằng, không so le. Tạo hoa văn cho ngựa phải có nét, thể hiện sinh động sắc thái ngựa. Khi nung phải theo dõi kĩ lò nung".

           Đã mấy chục năm ông Toản mê làm ngựa đất

 Dễ mà không dễ

Khác với nhiều người làm ngựa đất thời nay, dán hai mảnh thân ngựa bằng keo dán khi đã nung khô nên đơn giản. Nhưng theo ông Toản để có con ngựa đất thực sự như ý thì không dễ. Ngay từ khâu dán nối các bộ phận phải chà xát bề mặt tiếp xúc của thân ngựa nhiều lần để tạo kết dính với nhau như một khối. Việc dính các phần ngựa đất bằng keo là do sự hiện đại của khoa học công nghệ. Nhưng, việc sử dụng keo làm tuổi thọ của ngựa đất giảm đi rất nhiều, vì sản phẩm rất dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết. Thế nên việc sử dụng phương pháp truyền thống của ông Toản dù tốn thời gian và số lượng làm ra hạn chế nhưng lại chắc chắn và được ưa chuộng vì độ bền lâu của sản phẩm.

Cuộc sống gia đình ông Toản đi lên với nghề. Về giá cả, ngựa đất hiện có hai loại; 25 ngàn đồng và 35 ngàn đồng. Tùy theo kích thước của ngựa đất mà có giá cả phù hợp. Làm nghề đã hơn 40 năm, bạn hàng của ông Toản rộng khắp Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên ông Toản vẫn trăn trở vì con ông không còn theo nghề này nữa.