Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người mẹ tìm mọi cách ôm con tự tử cùng, vì đâu nên nỗi?

Vụ việc đau lòng người mẹ mang theo 3 con nhỏ ở Hòa Bình (một cháu bé 5 tuổi, một cháu 2 tuổi và một bé khoảng 5 tháng tuổi) nhảy xuống suối nhỏ thuộc sông Bôi qua địa bàn xóm Bản Dao, xã Hùng Sơn tự tử đang gây rúng động dư luận. Theo như người nhà trước hôm xảy ra tai nạn thương tâm ngày 7/5, người mẹ này đã từng ôm 3 con tự tử nhưng kịp thời được khuyên ngăn.

Trong thời gian qua cũng đã có nhiều vụ mẹ vì mâu thuẫn gia đình hoặc vì một lí do nào đó mà nhiều người mẹ quyết định tự tử và ôm con tự tử cùng. Như cách đây không lâu, vì mâu thuẫn người mẹ 20 tuổi ở Nghệ An đã bóp cổ và bịt mũi con mình đến chết rồi tự sát nhưng bất thành.
 


Thời gian trước, mọi người có lẽ thường thấy việc tự tử chủ yếu xảy ra ở những người trẻ, độc thân… Gần đây càng ngày càng nhiều phụ nữ tự tử và kéo theo những đứa trẻ. Ai cũng biết phụ nữ vẫn là người yêu thương con mình nhất, thế nhưng qua những bi kịch trên, dư luận phải giật mình thảng thốt với câu hỏi rằng "vì sao những người mẹ này lại chọn cách tự tử và kết liễu cuộc đời con trẻ như vậy? Đằng sau những vụ người mẹ ôm con tự tử cùng là cả một nỗi đau lớn bỏ lại.

TS Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội) cho rằng, người mẹ tìm mọi cách ôm con tự tử cùng về mặt tâm lý có nhiều cách lý giải. Những câu chuyện đó thật sự rất đau lòng. Đó là có thể họ rơi vào tình trạng bế tắc mà không tìm được một lối thoát nào cả. Họ đã không tìm được sự hỗ trợ, chia sẻ của người thân của mình.

Người mẹ ép con hay cùng con kết liễu cuộc sống vì họ nghĩ rằng chỉ có mình mới là yêu thương, quan tâm đến con. Khi mình chết đi, con ở lại sẽ bơ vơ, khổ nên thà mang con đi theo cùng. Đây là suy nghĩ của rất nhiều phụ nữ khi họ quyết định tự tử. Tàn nhẫn và tiêu cực hơn là người phụ nữ muốn dùng điều này để trừng phạt người ở lại, những người còn sống bằng cái chết ám ảnh của những đứa trẻ và bản thân.

Ngoài ra còn là vấn đề quyền lực. Thường ở xã hội khi người đàn ông tức giận họ thường chút giận vào người đàn ông yếu hơn mình hoặc người phụ nữ. Khi người phụ nữ tức giận hoặc bế tắc cũng với cơ chế tìm cách chút giận vào ai đó yếu đuối hơn mình. Những đứa con là đối tượng đầu tiên để họ trút giận, thể hiện quyền lực.

"Đằng sau quyết định bi kịch trên có quá nhiều nguyên nhân. Có thể có những nguyên nhân nằm ngoài người phụ nữ. Bởi vậy chúng ta không lên án mà hãy thông cảm, tìm ra, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ. Bản thân những người phụ nữ phải học cách kiềm chế, giải quyết xung đột của bản thân, hỗ trợ từ người thân… Luôn luôn có lối thoát, nếu không nhờ được chồng thì tìm bố mẹ, bạn bè… đừng chọn đến lối thoát bi kịch như vậy" – bà Hồng chia sẻ.

Dù bất luận như thế nào, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm quá nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Để tránh những sự việc đau lòng này, các chuyên gia nhấn mạnh, trong việc giáo dục, mọi người cần quan tâm đến kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết những xung đột, căng thẳng…

Ngoài ra, nhiều trường hợp bố mẹ sát hại con cho thấy đều có vấn đề về rối loạn tâm thần… Điều này đặt ra các cơ sở tâm lý rất quan trọng. Khi họ bức xúc, tổn thương tâm lý nếu có các dịch vụ đó để chia sẻ, tìm được lời khuyên và biết cách đối mặt với các xung đột của bản thân sẽ không chọn giải pháp tiêu cực như vậy.

Theo Phương Thuận/Giadinh.net.vn