Nghệ nhân Pơnh mệt nhọc ngồi dựa lưng vào vách nhà, mặc cho nắng chiều chiếu như thiêu đốt. Ông ôm chiếc radio bé xíu nghe một chương trình tiếng dân tộc. Cơn sốt kéo dài đã giữ chân ông ở nhà, nếu không, ở tuổi 90, ông vẫn phải đi xa hơn 30 km để chăm nom mấy sào lúa-nguồn sống duy nhất của hai ông bà già. Hình ảnh héo hắt của nghệ nhân giống một đóa pơ lang sắp tàn, không còn vẻ rực rỡ kiêu hãnh như khi ông xuất hiện trong một phóng sự dài trên VTV1, trong vai trò của người hát kể sử thi Bahnar tiêu biểu ở Gia Lai cách đây vài năm. Lối hát kể sống động của ông đã làm người xem tò mò, ám ảnh trước “những bí ẩn tuyệt diệu” và “đời sống tinh thần phong phú và kỳ ảo đến kinh ngạc của người Tây Nguyên” (theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc).
Pơnh thuộc hàng chục sử thi và là tác giả hát kể của hai sử thi “Dio Hao Jrang” và “Atâu So Hle, Kơne Gơseng”; một truyện thơ “Dăm Sơdang” được xuất bản năm 2008. Ông cũng là nghệ nhân sử thi duy nhất của tỉnh Gia Lai có mặt trong cuốn “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân Pơnh. Ảnh: H.N |
Một đời với hơmon
Câu chuyện của Pơnh bị ngắt quãng, bởi những mốc thời gian quá xa. Ông kể: “Mình biết nhiều sử thi dài có lẽ từ ông già, nghe kể nhiều nên thuộc. Mình mê những người anh hùng trong sử thi, cách họ chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ người đàn bà của mình. Sử thi cũng dạy cho con cháu biết nhiều phong tục đẹp, lịch sử của cha ông, những trận chiến đấu long trời lở đất, những trận đại họa giáng xuống buôn làng, cách người ta vượt qua nó để tồn tại…”. Niềm say mê ấy được ông kể cho dân làng bằng những đêm hơmon kéo từ đêm này qua đêm khác. Những câu chuyện lấp lánh sắc màu của Pơnh đã cuốn người nghe vào thế giới thần thoại, nơi cuối cùng, chân lý luôn thuộc về lẽ phải.
Không hiểu duyên cớ nào nhưng đa số người làng Bia Bre lại làm ruộng tận xã Ayun của huyện Chư Sê-một nơi cách làng đến 30 cây số. Ruộng rẫy được làm từ sau giải phóng đến tận bây giờ. Pơnh kể với chút ít tiếc nuối: “Hồi đó đi làm rẫy lội bộ mất cả ngày đường. Người ta làm chòi ở luôn trên rẫy, cả tháng mới về nhà một lần. Ngày đi làm, đêm xuống mọi người kéo đến nhà rẫy nghe mình kể chuyện ngày xửa ngày xưa”. Hơmon luôn chứa đựng cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, những giá trị thẩm mỹ, chuẩn mực cái đẹp, về đạo đức… Vì thế, bằng hoạt động hát kể, Pơnh không chỉ mang đến những câu chuyện hấp dẫn tột đỉnh, mà ông còn khiến người nghe trân quý hơn bản sắc văn hóa, những ứng xử nhân văn giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với nhau trong một xã hội luôn biến động.
Giọng hát kể của Pơnh nổi tiếng khắp vùng. Cũng chính nhờ tài năng đặc biệt này, ông đã lấy được người Vợ Bahnar xinh đẹp nhất làng. Bà Dơr-Vợ ông-đến giờ vẫn còn giữ được nét duyên sau nụ cười lẫn đôi mắt đen láy như biết nói dù đã ở tuổi 80. Bà hóm hỉnh kể: “Hồi xưa khi làng vẫn còn nhà rông, ông ấy thường hát kể sử thi hàng đêm, người đến nghe chật kín, vừa nghe vừa uống rượu. Nhiều cô gái trong làng mê Pơnh lắm. Để “canh” Pơnh, đêm nào mình cũng đến nhà rông nghe hơmon dù có những câu chuyện nghe đi nghe lại đến thuộc làu”.
Một đóa pơ lang sắp tàn
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai) có nhiều đêm được nghe nghệ nhân sử thi Pơnh hát kể phục vụ công tác sưu tầm, nhận xét: “Ông có khả năng hát kể sử thi rất đặc biệt, rất khỏe, có thể đưa đẩy hợp lý và đặc biệt có thể đóng vai nhiều nhân vật trong một câu chuyện, điều luôn mang lại hứng thú cho khán thính giả”. Nhưng khả năng đặc biệt ấy đang dần bị lãng quên khi hàng chục năm nay người làng lần lượt cải đạo, từ bỏ nhà rông, không còn nghe chuyện ngày xưa. Nghệ nhân diễn tả cảm xúc “hơn cả nỗi buồn” khi không còn những lần hơmon xuyên đêm. Đó là sự trống vắng đi qua những đêm dài vô tận, những mùa pơ lang nở rồi lại tàn.
Trong các nghệ nhân sử thi, Pơnh có lẽ là người duy nhất có được vài cuốn sách để đời. Đây là sự may mắn đối với cuộc đời một nghệ nhân-những con người vốn thầm lặng, vô danh ở khắp Tây Nguyên. Nhưng số phận của ông lại hẩm hiu hơn so với những nghệ nhân khác khi không có tên trong đợt xét duyệt danh hiệu nghệ nhân ưu tú vừa qua vì một số lý do. Có lẽ, ông không còn đủ thời gian để chờ được phong tặng danh hiệu đợt sau. Pơnh đã như một đóa pơ lang sắp tàn. Nghệ nhân sống nghèo khổ trong một căn nhà tôn với những lớp tường hoen gỉ, nóng hầm hập. Ông có 7 người con và tất cả đều đã ở riêng. Ông làm vài sào lúa ở tận xã Ayun để nuôi người vợ Bahnar tàn tật do một tai nạn hồi năm ngoái. Pơnh kể sự tình: “Bà ấy bị ngã gãy xương đùi trong một lần vào xã Ayun đi làm, phải mổ để vít đinh vào. Từ đó không đi lại được nữa. Đã quá hạn mổ lấy đinh ra mấy tháng nay nhưng mình không có tiền đưa bà ấy đi viện nên đành chịu”.
Trong suốt câu chuyện dài, Pơnh không hề than thân trách phận mặc người vợ đau ốm ngồi bên, mặc cơn sốt đang khiến ông mệt đến nỗi “không thiết ăn, không thiết uống rượu”, trong khi nhà không còn một đồng mua thuốc. Ông vẫn giữ sự lạc quan như tính cách muôn đời của người Tây Nguyên.